Lần đầu gặp nhau, “coach Jam” mở tủ lạnh, ném tất cả socola vào thùng rác. Văn Lâm đứng ngay đó, chết điếng. "Coach" nhìn Lâm. Ông bảo cầu thủ chuyên nghiệp thì phải hy sinh.
Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam nhưng sinh ra tại Nga, là tuyển thủ quốc gia nhưng mới có vài năm nói tiếng Việt. Cuộc đời bóng đá của Văn Lâm là hành trình của một kẻ ngoại đạo, là chuyến phiêu lưu chứa đầy biến cố dù mái đầu vẫn còn xanh mượt.
Văn Lâm sinh ngày 13/8/1993 tại Liên bang Nga. Cha Lâm là ông Đặng Văn Sơn (người Việt), mẹ là bà Jukova Olga (người Nga). Gia đình Văn Lâm vốn khá giả, cả nhà không ai theo nghiệp thể thao. Văn Lâm là người duy nhất trong nhà nuôi mộng thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Tên tiếng Nga của Lâm có chữ Lev bởi mẹ anh thần tượng thủ thành huyền thoại Lev Yashin. Chịu ảnh hưởng từ tình yêu của mẹ, cộng thêm thân hình lực sỹ được trời cho (cao 1m88, nặng trên dưới 90 kg), Lâm bảo mình thích và luôn mơ sau này trở thành thủ môn.
Văn Lâm gia nhập lò đào tạo trẻ của Spartak Moscow trước khi chuyển sang Dynamo sau đó vài năm. Nhưng giải vô địch Nga là một trong những giải quốc nội hàng đầu thế giới, không có nhiều cơ hội cho một thủ môn trẻ như Văn Lâm. Như rất nhiều cầu thủ Việt kiều khác, Văn Lâm hướng về Việt Nam.
Năm 2011, Lâm trở về quê cha, bắt đầu cuộc phiêu lưu trong màu áo HAGL.
Trước Văn Lâm, rất nhiều cầu thủ Việt kiều khác đã về Việt Nam với tham vọng xây dựng sự nghiệp. Hầu hết đều thất bại. Phần lớn chưa lường trước những khó khăn và khắc nghiệt của V.League, không hiểu được những điều mình phải đối mặt. Trong một nền bóng đá chưa thực sự chuyên nghiệp, nơi các cầu thủ nội cũng phải nỗ lực không ngừng, những gã trai Tây non nớt như Văn Lâm nhanh chóng trở thành kẻ ngoại đạo.
Văn Lâm có 2 bàn tay to như hộ pháp cùng bộ ngực lực lưỡng của một con gấu xám. Anh cao lớn nhưng hiền khô, vạm vỡ nhưng chẳng bắt nạt ai bao giờ. Ngày ở HAGL cũng như khi về Hải Phòng, Lâm đều là người hiền nhất đội. Cầu thủ Việt thường có vài anh phóng viên thân quen, Văn Lâm thì gần như chẳng chơi với phóng viên nào. Anh không biết làm thân với đồng đội, bối rối với “lệ làng” ở CLB, chẳng biết cư xử “phải phép” với đàn anh.
Lâm không chơi bời, không nhậu nhẹt, lên bar chỉ để nghe nhạc và giữ kín chuyện tình cảm. Ngoan và sạch như một tờ giấy trắng, với bóng đá Việt Nam, Lâm là một kẻ dị biệt. Và điều đó có lẽ đã khiến nhiều người khó chịu.
Những năm đầu ở HAGL, Lâm “Tây” không có nhiều cơ hội. Chàng trai Việt kiều được gọi lên U19 Việt Nam nhưng không để lại dấu ấn. Trong guồng quay khốc liệt của đội bóng khi ấy đang nằm tốp đầu V.League, Lâm bị đẩy sang Lào, chơi cho Hoang Anh Attapeu.
3 năm ở Việt Nam, Văn Lâm không đạt được sự tiến bộ đáng kể nào. Năm 2014, Lâm phải trở về Nga.
Từ Moscow, cả gia đình chào đón Văn Lâm với sự hồ hởi. Đứa con lưu lạc nay đã trở về. Lâm năm ấy 20 tuổi.
Ông Sơn lập tức sắp xếp cho Văn Lâm theo học ngành kế toán. Anh tiếp tục chơi bóng cho vài đội phong trào ngoài giờ học chính. Nếu Lâm bằng lòng với lựa chọn của cha, tuyển Việt Nam sẽ mãi mãi đánh mất một thủ môn giỏi.
Vấn đề là Lâm không bằng lòng.
Văn Lâm ngồi trong lớp học nhưng tâm trí để ở sân bóng, những con số nhảy múa qua đôi mắt vì anh chưa từng để tâm. Lâm đã rất nhớ bóng đá.
Năm 2015, Văn Lâm lên mạng gửi bức tâm thư tới HLV trưởng Toshiya Miura, bày tỏ mong muốn được thử sức ở U23 Việt Nam trước thềm SEA Games. Ông Miura đương nhiên không đồng ý nhưng bức thư ấy bất ngờ mở ra một cánh cửa khác cho Văn Lâm. Thông qua vài mối quan hệ, Lâm trở lại V.League lần thứ 2 trong màu áo CLB Hải Phòng. Ngày ấy, Đặng Văn Lâm chỉ là lựa chọn thứ 3 sau Nguyễn Thanh Thắng và Đinh Xuân Việt.
Chúng ta đều biết phần còn lại của câu chuyện. Văn Lâm từ vị trí số 3 trở thành thủ môn số 1 ở Hải Phòng, anh cùng CLB giành danh hiệu á quân V.League 2016 trước khi được triệu tập lên tuyển Việt Nam dự AFF Cup. Sau những sai lầm đáng trách của Nguyên Mạnh, Văn Lâm trở thành lựa chọn số 1 ở đội tuyển và giữ vững vị trí ấy đến ngày hôm nay.
Những tưởng, hoa hồng đã nở trên con đường sự nghiệp của chàng thủ môn Việt kiều. Nhưng số phận lại một lần nữa đùa cợt anh.
Vụ bê bối với trợ lý Lê Sỹ Mạnh buộc Văn Lâm phải rời CLB Hải Phòng. Chấn thương, không nhà cửa, Lâm được Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đưa về VFF điều trị chấn thương và tập luyện trong phần còn lại của mùa giải 2017.
Đó có lẽ là quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của Văn Lâm. Khi tưởng như đã có mọi thứ, Lâm bỗng mất sạch tất cả. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và phong độ, Lâm bỗng bị đẩy xuống bùn đen. Khoảng 4 tháng cuối năm 2017, Văn Lâm không hề được thi đấu. Bố mẹ một lần nữa điện thoại gọi anh về Nga. Nhưng Lâm từ chối. Anh ở lại Việt Nam, tiếp tục chờ đợi.
Người ta bảo mỗi thủ môn đều là những gã điên. Văn Lâm cũng vậy, anh “điên” thật đấy, điên vì màu cờ đỏ sao vàng.
Những người khác bị ám ảnh vì tiền tài, danh vọng, Lâm bị ám ảnh vì trái bóng. Đã nhiều lần, Lâm nhắc đi nhắc lại rằng mong muốn lớn nhất của mình là được khoác áo tuyển Việt Nam. Anh về đây từ nước Nga xa xôi là để làm điều đó.
Phải nhìn Đặng Văn Lâm hát Tiến quân ca bằng chất giọng hào sảng, vang rền, ta mới hiểu tình yêu anh dành cho màu áo đỏ. Tình yêu ấy là động lực để Văn Lâm vượt qua mọi khó khăn, để anh không ngừng đứng lên mỗi lần thần số phận quật ngã.
Hai năm kể từ V.League 2016, Văn Lâm từ vị trí dự bị ở CLB tới bắt chính, từ dự bị ở đội tuyển tới vị trí số một và nay là thủ môn hay nhất V.League. Hai năm, Văn Lâm đã bước tới đỉnh cao trong sự nghiệp của một thủ môn ở Việt Nam, được thừa nhận rộng rãi như là người gác đền hay nhất giải đấu.
Từng đó đã đủ để anh thấy thỏa mãn?
Chắc là chưa, vì người ta vẫn thấy Lâm tập luyện như điên. Chàng thủ môn sinh năm 1993 hiện duy trì chế độ tập luyện 3 buổi/ngày. Những hôm không phải thi đấu, anh cùng với người bạn thân Andre Fagan một mình xách giày ra Lạch Tray khởi động trước khi chuyển sang phòng gym phía sau Cung văn hóa thể thao thanh niên Hải Phòng. Buổi chiều, Lâm tập cùng toàn đội trước khi quay lại phòng gym lần thứ hai. Mỗi ngày 3 buổi, mỗi ngày 6-7 tiếng.
Tết vừa rồi, Lâm không về Nga mà vẫn ở lại Hải Phòng tập luyện. Hỏi Lâm có nhớ nhà không? Anh bảo mình đã mất quá nhiều thời gian.
Quả bóng vàng Việt Nam 2008 Dương Hồng Sơn kể rằng anh đã nhiều lần gặp Văn Lâm tập với HLV Jason Brown khi xuống PVF dự giải trẻ cùng đội U15. Đợt ấy, Lâm hàng ngày đều bắt taxi từ Hải Phòng xuống Hưng Yên, tiền đi về mỗi ngày lên tới cả triệu đồng. Lâm bảo tiền không quan trọng, vì cơ hội được tập với chuyên gia đẳng cấp thế giới là không nhiều.
Trong các thủ môn Việt Nam, Văn Lâm cũng là người chịu khó tìm kiếm cơ hội tập luyện với các chuyên gia ngoại nhất. Hồi tháng 3, anh lặn lội quay lại PVF xin tập với chuyên gia Nick Daves. Mới đây nhất, Lâm dành dụm tiền, mời HLV thể lực Jam Ashrapov sang Việt Nam tập riêng suốt mấy tuần. Ông Ashrapov hiện là HLV chuyên trách của U20 Spartak Moskva, từng huấn luyện hàng loạt danh thủ Nga.
Lần đầu gặp nhau, “coach Jam” (cách mà Lâm gọi HLV này trên Instagram) mở tủ lạnh, ném tất cả socola vào thùng rác. Văn Lâm đứng ngay đó, chết điếng. Ông Ashrapov bảo cầu thủ chuyên nghiệp muốn tiến tới đỉnh cao thì phải hy sinh. Lâm dừng lại một lát. Anh gật đầu.
Khổ luyện là thế, kiên cường là thế, Văn Lâm cuối cùng đã có được trái ngọt mà anh hằng khao khát. Mùa giải 2018, Văn Lâm chơi 25 trận, Hải Phòng chỉ thua vẻn vẹn 26 bàn. Đó là thống kê tốt nhất của một hàng thủ ở V.League, vượt xa đội vô địch CLB Hà Nội (30 bàn), hơn Tuấn Mạnh (27 bàn) hay Thanh Hóa của Bùi Tiến Dũng (29 bàn). Lưu ý, Hải Phòng mùa vừa rồi chỉ xếp hạng 6.
Trong danh sách 4 cựu binh được triệu tập lên Olympic Việt Nam chuẩn bị dự ASIAD 18, Văn Lâm là cầu thủ duy nhất ở hàng phòng ngự. Ai cũng tin rằng Lâm là người được chọn.
Những phóng viên có mặt tại Mỹ Đình đêm 7/8 vẫn nhớ như in cảm giác này. Thời điểm ấy, họ đang nhộn nhịp chuẩn bị cho trận quyết đấu giữa Olympic Việt Nam và Uzbekistan ở Mỹ Đình thì tin Văn Lâm bị loại ập đến. Chỉ sau vài phút, cả phòng báo chí im lặng.
Các phóng viên quay sang nhìn nhau, dò hỏi. Họ không thể tin được thủ môn hay nhất V.League, cựu binh duy nhất ở hàng thủ lại bất ngờ bị loại. Không khí im lặng bao trùm căn phòng khi các phóng viên vội vã gửi dòng tin ấy trở về tòa soạn.
Đêm ấy, Olympic Việt Nam lên ngôi vô địch giải Vinaphone. Văn Lâm ngồi trên ghế dự bị, khuôn mặt thất thần. Chính anh cũng không thể tin vào điều kỳ lạ ấy.
Tất cả đều hiểu Lâm “Tây” bị loại không phải vì kém tài. Nói như HLV Đặng Phương Nam, HLV Park Hang-seo đã buộc phải “hy sinh” Văn Lâm để mang đủ 3 cựu binh trên hàng công đến ASIAD.
Ba tháng sau ngày định mệnh ấy, Văn Lâm đã trở lại và mạnh mẽ hơn xưa. Anh kết thúc mùa giải với một suất trong đội hình tiêu biểu. Anh lên tuyển, thể hiện quyết tâm rực cháy trong từng buổi tập. Năm 2018 là AFF Cup thứ hai trong sự nghiệp của Lâm “Tây”.
Lần này, không gì có thể cản Văn Lâm.