Không biết đã có ai từng đặt câu hỏi, con người Việt Nam sẽ ra sao nếu thiếu đi nền văn học của xứ sở bạch dương? Chắc chắn đấy sẽ là khoảng trống lớn khó lòng bù đắp được.
Như vậy, sẽ là thiệt thòi nếu thế hệ trẻ hôm nay không được tắm hồn mình trong bầu khí quyển văn chương kinh điển ấy. Có lẽ phần nào xuất phát từ ý nghĩ ấy mà mới đây NXB Kim Đồng đã tái bản lại bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc.
Bộ sách gồm 8 tựa, gắn liền với những ước mơ, hoài bão, dung dưỡng tâm hồn biết bao thanh thiếu niên và bạn đọc đọc trẻ trước đây. Đấy là Chiếc nhẫn bằng thép của K. Paustovky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky, Maximka của K.M Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R. Belyaev, Timur và đồng đội và Số phận chú bé đánh trống của Arkady Gaidar.
Bạn đọc sẽ gặp lại những truyện ngắn giàu chất thơ, nhiều truyện đẹp như một bài thơ cổ điển. Không khí “thơ” ấy thấm vào hồn người thật tự nhiên, nhẹ nhàng, tinh tế để sau mỗi câu chuyện, độc giả lại cảm giác như tìm lại được một phần ký ức nào đó rất đẹp của tuổi thơ, một niềm vui nho nhỏ, một khoảnh khắc lắng đọng, thanh thản và bình yên cho tâm hồn (Chiếc nhẫn bằng thép).
Bạn đọc sẽ gặp lại Timur, chú bé “mặc chiếc áo sơ mi màu xanh có ngôi sao đỏ trên ngực” cùng các bạn của mình đã làm được nhiều điều khiến cho những người lớn trong làng từ bất ngờ, ngạc nhiên rồi an tâm và mến cảm. Đấy là câu chuyện sinh động, đẹp đẽ và cao thượng như một truyện cổ tích hiện đại. Gần 80 năm trôi qua kể từ khi cuốn truyện ra đời, các nhân vật thiếu nhi trong truyện vẫn thể truyền cảm hứng tới bạn đọc, không chỉ với những người hoài nhớ về một thời đã qua mà cả với những ai mang ước mơ thiện nguyện tốt lành và trong sáng… (Timur và đồng đội)
Bộ sách Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc. |
Còn nữa, Rasul Gamzatov với tác phẩm văn xuôi vượt ra ngoài định nghĩa và biến thể của loại hình văn học. Nó là tự truyện, chỉ có điều là tiểu sử nhiều cốt truyện, nhiều giọng nói: tiểu sử của nhà thơ, tiểu sử làng bản thân thuộc và tiểu sử dân tộc. Giàu chất thơ và rất chân thành. Nó đậm sắc trữ tình và được sưởi ấm bởi sự hài hước nhẹ nhàng, được chiếu sáng bởi sự láu lỉnh – cái láu lỉnh tinh nghịch dí dỏm. Rasul Gamzatov sử dụng khéo léo ngôn ngữ huyền diệu của dân gian giàu nhạc điệu và đầy màu sắc, đồng thời biết hòa trộn bất ngờ các sắc điệu văn phong rồi nói lên bằng ngôn ngữ tươi mới và phóng khoáng của ngời đương thời (Dagestan của tôi)
Bên cạnh đấy, là cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam, những thế hệ như người thương binh Phạm Hồng Sơn, nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm… và rất nhiều, rất nhiều những thanh niên khác nữa đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, quê hương. Ở đó có câu nói bất hủ, được ghi vào sổ tay của biết bao thanh niên. “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ty tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người (Thép đã tôi thế đấy).
Rồi A. Belyaev với nhiều vấn đề khoa học. Những dự kiến táo bạo và sáng suốt về sinh lí học, y học, sinh vật học… Ông đưa người đọc vào thế giới muôn hình muôn vẻ và đầy chất thơ của không gian vô tận và đại dương mênh mông. Tác giả ngợi ca sức mạnh vĩ đại của con người, được vũ trang bằng khoa học, ca ngợi trí tuệ lớn lao không ngừng vươn lên chinh phục và cải tạo thiên nhien, phục vụ cho đời sống, cho hạnh phúc của loài người (Người cá và Bột mì vĩnh cửu).
Bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc còn là cuộc gợi nhớ về đội ngũ dịch giả một thời, hùng hậu, với những bản dịch làm sang, làm đẹp cho nguyên tác, với Phan Hồng Giang, Lê Khánh Trường, Nguyễn Thụy Ứng, Đỗ Ca Sơn, Thúy Toàn… Sách tái bản được chăm chút kỹ lưỡng về mỹ thuật và công nghệ in ấn. Một số cuốn có sử dụng lại minh họa của bản in lần đầu với mong muốn lưu lại kỷ niệm của những năm tháng đã qua, những ước mơ không cũ và hứa hẹn sẽ gây hiệu ứng thú vị với bạn đọc hôm nay.