Xung quanh tôi, không khí rất náo nhiệt, đám con nít đua chạy xe ba bánh, xe chòi chân, xe trượt ngang dọc sân chơi; các em bé sơ sinh ngồi trên xe nôi nhìn ngó háo hức những hoạt động lạ lẫm trước mắt; mấy người trẻ thì tụ tập từng nhóm 2-5 người tán gẫu đủ thứ chủ đề; trong góc sân có nhóm những người già, trung niên đang tập dưỡng sinh... Còn trong cuốn sách, tác giả trăn trở về cuộc sống thời đại số hoá làm cho con người xa cách nhau.
Sách Milano Sài Gòn đang về hay sang? Ảnh: Ngọc Hân. |
Nửa phần đầu chúng ta sẽ được dẫn dắt đến từng gia đình, từng số phận đang vật lộn với khó khăn của bản thân từ người dư dả tiền bạc đến người đang bế tắc tài chính. Tác giả Trương Văn Dân rời xa quê hương Việt Nam từ năm 18 tuổi và suốt 40 năm sống ở xứ Italy cạnh hiền thê tóc vàng chung thủy trong ngôi nhà 3 tầng rộng rãi.
Vậy mà ông không dành thời gian tận hưởng cuộc sống thoải mái mà lại ngồi ven đường, cố gắng từ góc nhìn thật thấp để thấy nỗi khổ đau của nhân loại. Từng câu chuyện của thời hiện tại mở ra vội vã số phận... rồi lửng lơ cho độc giả tự tìm đáp án cho nhân vật hay cho chính mình.
Nữ doanh nhân thành đạt trong truyện ngắn Bắt giữ tù binh là "người đàn bà khôn khéo, đầy tham vọng, nhiều toan tính và thành đạt". Sau khi dứt khoát li dị chồng, bà trải qua những sự cay đắng, cô độc để rồi trong bóng đêm phòng ngủ, bà nhận ra "dường như từ rất lâu một cái gì đó vô cùng quý báu đã vuột khỏi tay mình" (trang 31).
Một cuộc hôn nhân ồn ào cãi cọ khác mở đầu truyện Một giấc mơ hoa: Chỉ một tuần nữa, vợ chồng tôi sẽ ly hôn. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc trong các gia đình trẻ hiện nay. Cái tôi giữa hai người đẩy "tình cảm vợ chồng giữa tôi và nàng đâm ra nhạt nhẽo", những giờ phút căng thẳng, chán chường, nóng bức dồn nhau đến đường cùng.
Đến khi người chồng buông lời "anh … x..xi…xin lỗi", ba từ đơn giản từ đáy lòng đã đập vỡ tan tất cả u ám, "nàng không nói gì nhưng bàn tay huyền diệu đang ôm lấy đầu tôi, ve vuốt. Và ngay lúc đó cả hai chúng tôi đều nhẹ hẳn lòng". Điều thú vị là truyện ngắn này, tác giả đã gửi tặng một cặp đôi đang rời rã nhau sau nhiều năm gắn bó, sau khi đọc thì kết quả nhận được là "Mấy tháng sau họ tổ chức đám cưới và bây giờ rất hạnh phúc với đứa con đầu lòng".
Món quà tinh thần lớn lao này có lẽ là nguồn động viên lớn để nhà văn tiếp tục viết mỗi ngày, đóng góp cho xã hội. Hàng ngày, chúng ta đang nhìn thấy gì?
Trong truyện Lỗi kết nối và Cuộc hội ngộ câm, tác giả vẽ bức tranh về xã hội im lặng bởi bị cuốn vào màn hình công nghệ. "Lưỡi dao công nghệ thông tin đang cắt lìa con người khỏi không gian xung quanh mình. Nó phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại. Bao người đang trở thành 'nô lệ' vào chiếc smartphone mà không hay biết".
Con người dần xa nhau, không trò chuyện rôm rả và đánh mất khả năng nói chuyện lưu loát. Tác giả nhìn thấy "tất cả đang góp phần dạy dỗ và huấn luyện lớp trẻ lớn lên theo cách tách rời thực tại" và đưa ra vấn đề cần quan tâm "tôi nghĩ thử thách lớn nhất của con người hiện nay là giáo dục để kết nối trở lại!"
Tương lai thế giới sẽ ra sao? 20 năm, 50 năm, 100 năm nữa, lớp trẻ sẽ nhận được gì? Bà mẹ đang hoài thai trò chuyện với đứa con nhỏ mỗi ngày ưu tư và dặn dò con chuẩn bị đối mặt với thế giới khi chào đời qua Bức thư của người mẹ trẻ; Tình tự ba và con; Chúng tôi bảy người; Thời gian.
"Trước đây, mẹ là người đàn bà can đảm. Nhưng từ ngày có con mẹ đâm ra lo lâu và sợ hãi đủ thứ". "Ba chỉ mong là lớn lên, con sẽ chọn và đi theo con đường của mình và bình tâm đón nhận những hạnh phúc, khổ đau mà không hề oán trách một ai". Những bức tâm thư nhà văn nói hộ nỗi lòng của hàng triệu bậc cha mẹ muốn gửi gắm đến đứa con yêu thương.
Đồng hành cùng nhà văn trong chuyến đi Milano Sài Gòn đang về hay sang? là những người bạn trong giới sáng tác văn chương sống rải rác ở Pháp, Italy, Mỹ, Canada. Hiếm hoi, họ gặp bạn tâm giao và mừng rỡ cùng chia sẻ nỗi niềm của những người yêu văn bút.
Giở từng trang sách, chúng ta theo chân vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân đến gặp hoạ sĩ Đinh Cường, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà thơ Đoàn Văn Khánh, nhà văn Nguyên Minh, nhà thơ Nguyễn Minh Nữu, nhà văn Chinh Ba, nhà phê bình văn học Đặng Tiến, hoạ sĩ Lê Tài Điển, hoạ sĩ Nguyễn Cầm, nhà thơ Cao Quảng Văn... Và có người đưa ra vấn đề "băn khoăn của hoạ sĩ trong thế kỷ mới này là càng ngày, người ta càng ít nói đạo làm người, ít bàn tới đạo lý người nghệ sĩ, nhân tính trong sáng tạo. Không hiểu tại sao?"
Bởi thế nên "Văn hoá nặng lắm bạn ơi!", sức nặng trì lên từng con chữ trên trang giấy. Lật đến trang cuối cùng của cuốn sách, tôi chợt nhớ đến bộ phim nổi tiếng Idiocracy (2006) về giả thuyết tương lai thế giới 500 năm sau, con người thoái hóa cả về thể chất và trí tuệ, mất cả khả năng đọc viết... Lời thoại cuối phim, nhân vật Joe nhắc nhở "Nếu trở về được quá khứ, tôi muốn cô nói với mọi người hãy chăm đọc sách, tôn trọng tri thức và chịu khó học hành... Tôi từng lười đọc, không chịu làm những gì mình thực sự muốn. Thế giới thành ra như thế này là do những người như tôi".