Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vấn đề xảy ra trong cơ thể khi đường huyết tăng vọt

Khi đường huyết tăng đột ngột, glucose di chuyển đến tế bào quá nhanh. Tốc độ đó chính là vấn đề: Quá nhiều một lúc, chồng chất khó khăn.

cach mang glucose anh 1

Ảnh minh họa: Nataliya Vaitkevich/Pexels.

Cơ thể người được tạo nên từ hơn 30.000 tế bào. Khi ta trải qua sự tăng vọt glucose, tất cả chúng đều cảm nhận được.

Mục tiêu sinh học căn bản của glucose khi đi vào tế bào là chuyển hóa thành năng lượng. Cơ quan chịu trách nhiệm quá trình này là các bào quan ty thể cực nhỏ. Sử dụng glucose (cùng với oxy từ việc hô hấp), cơ quan này tạo nên phiên bản điện hóa học để trao sức mạnh cho toàn bộ tế bào nhằm giúp các tế bào thực hiện việc chúng cần. Khi đi vào cơ thể, glucose tiến thẳng tới ty thể để thực hiện chuyển hóa.

Để hiểu cách ty thể phản ứng với tình trạng đường huyết tăng đột ngột, hãy tưởng tượng thế này: Ông nội bạn đã nghỉ hưu sau nhiều năm tháng sự nghiệp bộn bề và bắt đầu thực hiện ước mơ làm việc trên tàu hỏa hơi nước. Dẫu cho gia đình phản đối, ông cũng không để tâm.

Sau một vài khóa đào tạo, ông được nhận vào vị trí thợ đốt lò trong phòng máy. Nhiệm vụ của ông là tiếp than cho lò lửa để tạo ra hơi nước đẩy pít tông làm quay các bánh xe. Ông chính là ty thể của đoàn tàu.

Mỗi ngày, than được ông tiếp nhận và đổ vào lò đốt tạo ra năng lượng cho đầu tàu di chuyển, từ đó bảo đảm hành trình liên tục của đoàn tàu. Như vậy, nguyên liệu thô đã được chuyển đổi thành năng lượng. Khi sử dụng hết, than lại được cung cấp ngay lập tức.

Giống như đoàn tàu, các tế bào hoạt động trơn tru khi được cung cấp năng lượng phù hợp.

Hôm nay đã là ngày thứ hai ông bắt đầu công việc mới. Chỉ vài phút sau đợt giao than đầu tiên, ông giật mình khi nghe tiếng gõ cửa. Thêm than. Ông nghĩ, Chà, đến hơi sớm một chút, nhưng mình sẽ có thêm than dư, rồi ông xếp than bổ sung qua một góc.

Vài phút sau, lại có tiếng gõ cửa. Thêm than. Cứ như vậy. Tiếng gõ cửa liên tục vang lên và than được chuyển đến không ngừng. Quá nhiều rồi, mình sao dùng hết được, ông bực bội. Tuy nhiên, ông không thể làm gì khác, công việc của ông là xúc một lượng than cố định đổ vào lò.

Suốt một ngày, hết lượt giao này tới lượt giao khác, cả toa tàu chật ních toàn than là than. Than được chuyển đến nhiều hơn mức cần thiết. Ông không thể đốt nhiều hơn, vì vậy than chất đống xung quanh ông.

Chỉ trong một thời gian ngắn, than có mặt khắp mọi nơi, chất cao đến nóc toa tàu. Ông kẹt cứng, không tài nào xúc than đổ vào lò được nữa. Hết năng lượng, tàu dừng, hành khách nổi cáu. Cuối ngày, ông bị sa thải.

Ty thể trải qua cảm giác giống hệt nhân viên xúc than khi cơ thể nạp quá nhiều glucose một lúc, vượt mức nhu cầu của tế bào. Chúng vốn chỉ đốt cháy lượng glucose mà tế bào cần để sản sinh năng lượng, không hơn không kém. Khi đường huyết tăng đột ngột, glucose di chuyển đến tế bào quá nhanh. Tốc độ đó chính là vấn đề: Quá nhiều một lúc, chồng chất khó khăn.

Theo lý thuyết mới nhất về sự hao mòn và hư hại trên cơ thể (Allostatic Load Model), khi ty thể dư thừa glucose, các phân tử nhỏ là gốc tự do sẽ được giải phóng. (Một số phân tử glucose sẽ chuyển hóa thành chất béo). Và khi các gốc tự do xuất hiện do đường huyết tăng đột ngột, chúng sẽ gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho cơ thể.

Gốc tự do là vấn đề nan giải vì chúng phá hủy tất cả những gì chúng tương tác. Chúng bắt cặp và sửa đổi mã di truyền một cách ngẫu nhiên, tạo ra các đột biến kích hoạt gen bất lợi, thậm chí phát sinh bệnh ung thư. Gốc tự do còn xuyên thủng màng tế bào và bất hoạt tế bào sống.

Ở trạng thái bình thường, chúng ta chung sống ôn hòa với một lượng gốc tự do và có kiểm soát. Tuy nhiên, khi số lượng gốc tự do tăng lên, mọi thứ trở nên hỗn loạn, cơ thể rơi vào trạng thái mất cân bằng oxy hóa.

Sự mất cân bằng oxy hóa là nguyên nhân của nhiều bệnh lý như tim mạch, tiểu đường tuýp 2, suy giảm nhận thức, lão hóa sớm... Hơn nữa, fructose gây ra tình trạng mất cân bằng oxy hóa nhiều hơn so với glucose. Đây cũng là một trong những lý do đồ ngọt (vốn chứa fructose) gây hại nhiều hơn thức ăn giàu tinh bột (không chứa fructose). Quá nhiều chất béo cũng có thể dẫn đến mất cân bằng oxy hóa.

Qua nhiều thập kỷ, các tế bào sẽ dần bị tàn phá. Sự dư thừa glucose trong tế bào khiến ty thể quá tải, không thể chuyển hóa thích đáng glucose thành năng lượng. Tế bào suy kiệt dẫn tới sự rối loạn chức năng. Chúng ta nhận biết được điều ấy: Dù đang nạp năng lượng từ đồ ăn thức uống nhưng ta vẫn cảm thấy mệt mỏi, thức dậy buổi sáng thật khó khăn và ta luôn cảm thấy cạn kiệt năng lượng suốt cả ngày. Chúng ta mệt rũ. Bạn biết cảm giác đó chứ? Tôi cá rằng bạn hiểu rõ!

Bạn sẽ còn cảm thấy mệt mỏi gấp bội bởi một quá trình thứ cấp sẽ được kích hoạt khi cơ thể trải qua đợt tăng glucose đột ngột.

Jessie Inchauspé/NXB Thanh niên & Huy Hoàng Books.

SÁCH HAY