Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vấn đề bị ‘lãng quên’ trong kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc

Dù đang đối mặt với các vấn đề về nhân khẩu học, Trung Quốc không đề cập nhiều đến kế hoạch giải quyết tỷ lệ sinh thấp và dân số già trong kỳ họp lưỡng hội quan trọng.

khung hoang nhan khau hoc anh 1

Trung Quốc đang bước vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học chưa từng có tiền lệ về tốc độ và quy mô. Dân số nước này bắt đầu giảm vào năm 2022, khi tỷ lệ sinh trên toàn quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi số người già tiếp tục tăng.

Tình trạng đó không chỉ đe dọa làm quá tải cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và khiến hệ thống hưu trí gặp rủi ro, mà còn đặt ra thách thức đối với tham vọng kinh tế của nước này.

Tuy vậy, những báo cáo gửi tới Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc trong kỳ họp Lưỡng hội không đề cập nhiều đến cách Bắc Kinh lên kế hoạch giải quyết các vấn đề nhân khẩu học, liên quan đến tỷ lệ sinh thấp và dân số già đi nhanh chóng. Kỳ họp này là sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023.

Nút thắt chưa được tháo gỡ

Trung Quốc đã đạt tới thời điểm quan trọng: Dân số bắt đầu giảm, sau khi tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm. Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết trong năm 2022, 9,56 triệu em bé được sinh ra, trong khi 10,41 triệu người qua đời.

Sự mất cân bằng nhân khẩu học ngày càng gia tăng tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn hưởng lợi từ “lợi tức dân số” (demographic dividend) khổng lồ.

“Về lâu dài, chúng ta sẽ chứng kiến một Trung Quốc mà thế giới chưa từng thấy”, Wang Feng - giáo sư xã hội học tại Đại học California ở Irvine, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc - cho biết. “Sẽ không còn là Trung Quốc có dân số trẻ, năng động. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn nhận Trung Quốc là quốc gia già hóa và dân số giảm”.

Dù các quan chức Trung Quốc đã cố trì hoãn thời điểm này trong nhiều năm, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa thể đưa ra một chiến lược nhất quán và hiệu quả để giải quyết thách thức dân số, theo South China Morning Post.

Không giống chính sách một con từng được thực hiện mạnh mẽ trên toàn quốc dưới chế độ pháp lý và hành chính nghiêm ngặt suốt hơn ba thập kỷ, những nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận hiệu quả, dù là ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp hiện tại như chính sách cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh con thứ ba không đủ tăng tỷ lệ sinh của nước này.

khung hoang nhan khau hoc anh 2

Sự mất cân bằng nhân khẩu học ngày càng gia tăng tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, việc khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con chủ yếu do chính quyền địa phương thực hiện đơn lẻ.

Chẳng hạn, tại trung tâm công nghệ Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, chính quyền thành phố thông báo sẽ trợ cấp một lần cho mỗi cặp vợ chồng sinh con thứ ba 20.000 nhân dân tệ (tương đương 2.875 USD), và con thứ hai 5.000 nhân dân tệ (558 USD). Tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, mỗi cặp vợ chồng cũng sẽ nhận trợ cấp 1.000 nhân dân tệ/tháng trong ba năm khi sinh con thứ ba.

South China Morning Post nhận định dân số là một trong những chủ đề nóng cho các đề xuất trong kỳ họp lưỡng hội năm nay. Tuy nhiên, các báo cáo không đề cập nhiều đến kế hoạch tăng tỷ lệ sinh hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho số lượng người cao tuổi ngày càng tăng.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 1 cho thấy hầu hết sinh viên đại học ở nước này không coi hôn nhân là điều cần thiết, và các chính sách khuyến khích sinh con không mấy tác động đến tâm lý của họ.

Báo cáo do nhiều tổ chức đồng công bố, trong đó có Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc, cho thấy giờ đây giới trẻ nước này coi hôn nhân là một cách nâng cao chất lượng cuộc sống cả về tinh thần và vật chất - sự thay đổi rõ rệt so với các thế hệ trước.

Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 11,6 triệu vào năm 2022, giảm gần 700.000 so với một năm trước, theo Niên giám Thống kê Trung Quốc 2022. Con số này giảm mạnh so với mức đỉnh 23,9 triệu vào năm 2013.

Theo báo cáo, “gây dựng sự nghiệp trước khi lập gia đình” đã trở thành nguyên tắc cho cả nam giới và phụ nữ, trong khi “nỗi đau sinh nở” là nỗi sợ hãi chính với phụ nữ.

“Tương lai lý tưởng của tôi là tìm được ai đó cùng thực hiện lối sống DINK (gấp đôi thu nhập, không có con). Tôi vẫn có thể kết hôn nhưng thực sự không muốn có con. Thế hệ cha mẹ tôi nghĩ rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ thật dễ dàng - chỉ cần thỉnh thoảng cho ăn rồi chúng sẽ tự lớn. Nhưng thời đại nay khác rồi”, Sophie Wang, nhân viên marketing ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Nguy cơ già trước khi giàu

Trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc bắt đầu hôm 5/3, một đại biểu đề xuất nước này nên cung cấp cho sinh viên sau đại học và tiến sĩ hỗ trợ tài chính, cùng chính sách “hợp lý” nếu họ muốn kết hôn và sinh con khi đang đi học.

Điều đó cho thấy mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc tại nước này đang thúc đẩy các đề xuất chính sách mới.

Vị đại biểu cho biết hệ thống giáo dục nên xem xét độ tuổi sinh con tối ưu và điều chỉnh cho phù hợp, để những người trẻ tuổi có thể sắp xếp kết hôn và sinh con hợp lý.

Tuy nhiên, nhà nhân khẩu học He Yafu cho rằng không nên phản đối hay khuyến khích sinh viên đại học kết hôn và sinh con. “Trách nhiệm chính của sinh viên đại học là học tập, và việc lập gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến điểm số”, ông nói.

khung hoang nhan khau hoc anh 3

Một người đàn ông cao tuổi chơi với trẻ em gần tòa nhà văn phòng thương mại ở Bắc Kinh vào năm 2021. Ảnh: Andy Wong/AP.

Trong khi đó, ông He Dan, đại biểu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số - Phát triển Trung Quốc, đề xuất Bắc Kinh nên tăng trợ cấp tiền mặt cho các gia đình chỉ có một con, vì nhiều bà mẹ Trung Quốc vẫn không muốn sinh con thứ hai do gặp khó khăn khi nuôi con đầu lòng.

“Những vấn đề như chất lượng cuộc sống giảm sút sau khi sinh, căng thẳng khi nuôi dạy con cái, quá trình giáo dục quá mệt mỏi và lo lắng, cũng khiến các gia đình không muốn sinh thêm con”, ông nói thêm.

Trung Quốc đã có một số hỗ trợ cho việc sinh con. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những ưu đãi không giúp giải quyết lo ngại về chăm sóc cha mẹ già, hay về chi phí giáo dục và nhà ở tăng cao.

“Vấn đề cơ bản không phải là mọi người không thể sinh con mà là họ không đủ khả năng chăm con”, Lu Yi, một y tá 26 tuổi ở Tứ Xuyên, chia sẻ. Cô cho biết bản thân cần kiếm được ít nhất gấp đôi mức lương hàng tháng - tức 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.200 USD) - để có thể tính tới chuyện sinh con.

Bên cạnh đề xuất của ông He Dan, một số đại biểu khác đã đưa ra ý tưởng tăng tỷ lệ sinh. Chẳng hạn, phát biểu trước truyền thông nhà nước, ông Xu Congjian, đại biểu của CPPCC, cho biết Trung Quốc nên cho phép phụ nữ chưa kết hôn sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản như đông lạnh trứng.

Sáng kiến ​​này đã tô đậm tính cấp bách của việc thúc đẩy tỷ lệ sinh tại Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm lao động. Viễn cảnh dân số già đi nhanh chóng có thể làm chậm nền kinh tế khi nguồn thu giảm, nợ chính phủ tăng do chi phí phúc lợi và y tế tăng vọt. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo rằng Trung Quốc có thể già trước khi giàu.

Sự bùng nổ của Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách phác thảo bối cảnh diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.

Thách thức chờ đợi tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Tân Thủ tướng Lý Cường được các chuyên gia và giới doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng, trong bối cảnh Trung Quốc đứng trước hàng loạt thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Trung Quốc khó thuyết phục phụ nữ sinh thêm con

Dù Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con, các chuyên gia hoài nghi khả năng thành công trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của nước này.

Vân Đinh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm