Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trung Quốc khó thuyết phục phụ nữ sinh thêm con

Dù Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con, các chuyên gia hoài nghi khả năng thành công trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của nước này.

trung quoc sinh con anh 1

Tại phiên họp quốc hội Trung Quốc tuần qua, các đại biểu đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm tăng tỷ lệ sinh nở tại nước này.

Hôm 8/3, Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc kêu gọi phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm "ủng hộ quan niệm tích cực về hôn nhân và sinh con", thông qua các chương trình truyền hình và phim ảnh.

Các đại biểu khác kêu gọi cắt giảm thuế cho những công ty tuyển dụng các bà mẹ nuôi con, mở rộng bảo hiểm thai sản cho sinh viên đại học, miễn học phí đại học cho các gia đình có con thứ ba sinh sau 2024, đồng thời cho phép phụ nữ độc thân tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản, theo Guardian.

Những rào cản lớn

Năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức 6,77/1.000 dân, thấp kỷ lục từ khi số liệu được thu thập. Dân số Trung Quốc cũng giảm 850.000, đây là lần đầu tiên dân số nước này giảm kể từ nạn đói năm 1961.

Tình hình khẩn cấp tới mức một số khu vực đã sớm ban hành chính sách thúc đẩy sinh sản. Tháng 2 vừa qua, tỉnh Tứ Xuyên đã dỡ bỏ tất cả giới hạn về đăng ký khai sinh, trong đó có quy định chỉ các cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn được phép đăng ký khai sinh cho con.

Một số tỉnh ra quy định mới về nghỉ hưởng lương cho các cặp đôi mới kết hôn nhằm khuyến khích kết hôn và sinh con. Tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, các cặp vợ chồng được hỗ trợ 400 USD khi làm thủ thuật IVF.

Trong giai đoạn 2016-2021, số cơ sở y tế được cấp phép tiến hành thủ thuật hỗ trợ sinh sản đã tăng từ 451 lên 539, theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia.

Tuy nhiên, với hàng triệu phụ nữ trẻ Trung Quốc, những người đang trì hoãn hoặc thậm chí từ chối sinh con, những chính sách mới hầu như không giải quyết được những lo ngại căn bản của họ.

trung quoc sinh con anh 2

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: AP.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2015, các chuyên gia xã hội học cho rằng sự phát triển thần tốc của nền kinh tế Trung Quốc kể từ 1980 đóng vai trò đáng kể khiến tỷ lệ sinh tại nước này giảm mạnh.

Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi mặc dù chính sách một con đã được dỡ bỏ từ 2016, các yếu tố về kinh tế vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sự phát triển của quy mô dân số Trung Quốc.

Yu Ke, một quản lý doanh nghiệp ở Hàng Châu năm nay 29 tuổi cho biết có "3 vấn đề lớn" khiến cô chưa muốn có con.

"Đầu tiên, giá nhà quá cao. Thứ hai, chi phí y tế quá lớn. Thứ ba, học phí quá đắt đỏ", Yu nói.

Tại Hàng Châu, một căn hộ rộng 60 m2 có giá khoảng 430.000 USD. Để có thể trả được số tiền này, hai vợ chồng Yu sẽ phải đi làm toàn thời gian. Nhưng như vậy đồng nghĩa hai vợ chồng không có thời gian chăm đứa trẻ mới sinh.

"Nếu cha mẹ từ quê tới chăm sóc đứa bé, căn nhà 60 m2 sẽ không đủ rộng cho cả gia đình", Yu nói.

Chế độ thai sản ở các tỉnh của Trung Quốc có sự khác biệt tương đối lớn. Từ năm 2023, Chiết Giang trợ cấp 720 USD cho các gia đình có 2 con. Số tiền trợ cấp sẽ tăng gấp 4 lần lên đến 2.800 USD cho gia đình sinh con thứ ba. Nhưng khoản trợ cấp này chỉ như muốn bỏ bể khi so với các chi phí sinh hoạt khác.

Năm 2022, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở thành thị tới năm 17 tuổi ước tính lên đến 90.000 USD. Theo một nghiên cứu của Viện Xã hội học Thượng Hải, các gia đình thu nhập thấp dành hơn 70% thu nhập cho việc nuôi một đứa trẻ.

Huang Liqi, luật sư 29 tuổi sống ở Hàng Châu, cho rằng các khoản trợ cấp "là trò đùa", và nhà chức trách không hiểu gì về các chi phí nuôi dạy một đứa trẻ.

Gốc rễ của vấn đề

Yun Zhou, chuyên gia xã hội học tại Đại học Michigan, cho rằng các thay đổi về chính sách sẽ có rất ít tác động trừ khi chính phủ Trung Quốc có thể thay đổi các chuẩn mực tại nơi làm việc và bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình.

"Các sáng kiến trợ cấp tài chính không thành công ở bất cứ đâu, và chúng nhiều khả năng cũng thất bại ở Trung Quốc", bà Zhou nói.

Ngoài đưa ra lợi ích tài chính, các chính sách mới hướng đến xóa bỏ các rào cản về hành chính trong việc sinh con và khai sinh chưa được thực hiện đại trà, bất chấp mong muốn của số đông.

Ví dụ, quyết định xóa bỏ hạn chế về đăng ký khai sinh ở Tứ Xuyên "thuần túy về mặt hành chính", cho phép nhà chức trách thu thập dữ liệu sinh sản thuận lợi hơn. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các gia đình, đặc biệt mẹ đơn thân, nuôi con.

trung quoc sinh con anh 3

Một trẻ sơ sinh ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

"Các bà mẹ không kết hôn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi muốn hưởng các chế độ thai sản", bà Zhou nói.

Phụ nữ độc thân hiện vẫn bị cấm trữ đông trứng dù đã có nhiều vụ kiện về vấn đề này. Việc đăng ký bảo hiểm thai sản, nghỉ thai sản hưởng lương đòi hỏi phải có đăng ký kết hôn. Ngay cả ở những nơi chính quyền địa phương tìm cách nới lỏng các hạn chế, các quan chức hành pháp ở địa phương vẫn yêu cầu được xem giấy đăng ký.

Đối tượng là mẹ đơn thân vẫn là nạn nhân "một số chính sách mang tính phân biệt như không được đăng ký khai sinh, sa thải khỏi cơ quan công quyền". Dù các chính sách đang có sự thay đổi, quy định và thực tiễn thi hành vẫn chưa thống nhất.

Nhiều phụ nữ, cả độc thân lẫn đã kết hôn, sợ rằng việc mang thai sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp. Các nhà tuyển dụng Trung Quốc đôi lúc vẫn hỏi về kế hoạch gia đình của người lao động nữ khi phỏng vấn xin việc, dù rằng điều này đã bị cấm từ 2019.

Đôi lúc ứng viên nữ bị yêu cầu ký hợp đồng cam kết không có thai trong một khoảng thời gian nhất định.

Yu Ke, quản lý doanh nghiệp ở Hàng Châu, nói việc là phụ nữ trẻ chưa có con có thể là một rào cản khi cô muốn chuyển sang công việc mới.

"Có con hay không có con đều sẽ ảnh hưởng tới phụ nữ trong công việc. Ngay cả khi tôi nói với nhà tuyển dụng rằng tôi không định sinh con, họ vẫn sẽ nghi ngờ tôi", Yu cho biết.

Hongwei Bao, giao sư Đại học Nottingham, cho rằng bảo vệ các quyền và lợi ích sinh sản của phụ nữ là cách duy nhất thực sự hiệu quả nếu muốn tăng tỷ lệ sinh tại Trung Quốc.

"Không chỉ các cặp vợ chồng, quyền của mẹ đơn thân, các gia đình đồng tính cũng cần được bảo vệ. Các hạn chế hiện vẫn lớn hơn hỗ trợ", giáo sư Bao nói.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Mỹ - Trung chìm sâu vào vòng xoáy đối đầu

Những va chạm liên tiếp thời gian qua phản ánh sự nghi kỵ và bất ổn ngày càng gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Tàu Trung Quốc bị nghi cắt cáp Internet của đảo thuộc Đài Loan

Hai tuyến cáp biển duy nhất kết nối quần đảo Mã Tổ với phần còn lại của thế giới bị cắt đứt tổng cộng 27 lần trong 5 năm qua, lần gần nhất vào đầu tháng 2.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm