Theo Thứ trưởng Huân Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, nền kinh tế năm nay có bước phát triển. Theo đó, thưởng Tết 2016 có xu hướng ngang bằng hoặc tăng 5 – 7% tại một số khu vực. Song, mức thưởng phổ biến nhất vẫn là xung quanh 1 tháng lương, gọi là tháng lương thứ 13.
Một số doanh nghiệp lấy quỹ lương 12 tháng chia 13, nhưng bản chất là lương của từng tháng dồn lại. Tuy nhiên, người lao động biết tin được thưởng 2 tháng lương thì tâm lý chắc chắn sẽ vui hơn.
Ông Bùi Văn Cung, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty Cổ phần Hợp tác Lao động và Thương mại (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho biết, nếu không có gì thay đổi, khoảng đầu tháng 1/1/2016 sẽ có kế hoạch thưởng Tết. Song, nhiều khả năng thưởng Tết sẽ giữ mức ngang bằng so với năm trước là lương tháng thứ 13. Đây cũng là tiền lệ của Tập đoàn.
Anh Đào Quang Thành, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH HOEV (Khu công nghiệp Thăng Long), thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân vẫn như năm trước. Theo đó, mức thưởng là 1 tháng lương của người lao động, dao động từ 3-5 triệu đồng tùy vị trí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn tặng kèm những món quà nhỏ, ý nghĩa để động viên tinh thần người lao động.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Huân, sẽ vẫn có doanh nghiệp thưởng Tết ở mức 30.000-50.000 đồng một người như năm ngoái, do doanh nghiệp quá khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Thưởng Tết Nguyên đán 2016 không có nhiều biến động, chủ yếu là 1 tháng lương của người lao động. Ảnh minh họa. |
Chia sẻ với Zing.vn, Thứ trưởng Huân cho rằng, Bộ không có quy định nào về mức thưởng Tết, kể cả thưởng bằng hiện vật.
"Doanh nghiệp không bán được sản phẩm thì người lao động cùng chia sẻ khó khăn. Có điều, giá trị của hiện vật là 10 thì sau đó người lao động bán ra để lấy tiền tiêu Tết chỉ còn có 6", Thứ trưởng cho hay.
Hiện nay, chưa có đơn vị nào báo cáo nên Bộ chưa nắm được mức thưởng Tết cao nhất. Song, mong muốn của Bộ LĐTBXH là các địa phương vận động doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm, đảm bảo thưởng Tết ít nhất bằng 1 tháng lương của người lao động.
Theo dự báo của Vụ Lao động - Tiền lương, các khối ngân hàng, dịch vụ, tài chính thường có mức thưởng Tết cao hơn các lĩnh vực khác.
"Nếu doanh nghiệp coi thưởng Tết là bị động, là khoản phải cho người lao động, thì nó sẽ là gánh nặng, tạo sự khó chịu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp coi là một điều tất nhiên phải làm, ví như thuê một người làm không phải chỉ trả 12 tháng mà sẽ trả 14 tháng thì điều đó là bình thường".
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).