Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vận chuyển hàng hóa hàng không: Ngoại mở rộng, nội bất động

Trong khi Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa nào thì các hãng nước ngoài đang mở rộng đường bay đến Việt Nam để khai thác thị trường này.

Vào giữa tháng 4 vừa qua, hãng vận chuyển hàng hóa MASkargo (Malaysia) đã mở đường bay vận chuyển hàng hóa từ Kuala Lumpur tới Hà Nội, sau khi tuyến Kuala Lumpur - TPHCM hoạt động khá tốt trong hai năm qua. Việc này được MASkargo lý giải do Hà Nội đang xuất khẩu mạnh các thiết bị, linh kiện điện tử cũng như hàng may mặc và giày dép. Hơn nữa, dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,42% trong năm 2013, MASkargo đang nhìn thấy tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Bên cạnh việc mở thêm đường bay mới, một số hãng đã có đường bay vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam đang tập trung mở rộng các dịch vụ, đặc biệt, đối với các mặt hàng cần bảo quản tốt và vận chuyển nhanh.

Cathay Pacific Cargo là một trong những hãng vận chuyển hàng hóa khai thác trên tuyến đường đến Hà Nội.
Cathay Pacific Cargo là một trong những hãng vận chuyển hàng hóa khai thác trên tuyến đường đến Hà Nội.

Mới đây, FedEx đã cung cấp dịch vụ bao bì gửi hàng lạnh, giúp giữ lạnh ở nhiệt độ từ 2-8 độ C với thời gian giữ lạnh lên đến 96 giờ, và dịch vụ gửi hàng đông lạnh ở nhiệt độ -150 độ với thời gian lên đến 10 ngày. Việc mở thêm các dịch vụ này được đại diện của FedEx tại Việt Nam giải thích, là do nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm y tế và nguyên liệu ngành dược cần bảo quản ở nhiệt độ thấp vào Việt Nam ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2013, thị trường vận tải hàng hóa qua đường hàng không tại Việt Nam đã phục hồi tăng trưởng với 630.000 tấn hàng hóa, tăng 19,6% so với năm 2012.

Tính đến nay đã có 13 hãng nước ngoài đang khai thác vận chuyển hàng hóa đến TPHCM và Hà Nội.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, năm 2013, lượng hàng hóa vận chuyển hàng không tại khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận tăng 5%, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh xung quanh tăng trên 10%. Nguyên nhân là ở các tỉnh phía Bắc có nhiều nhà máy điện tử lớn và hầu hết hàng điện tử được vận chuyển bằng đường hàng không.

Cách đây năm năm, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng hàng không của Hà Nội chỉ bằng một phần ba so với TPHCM, nhưng nay đã chiếm hơn 50% thị trường cả nước. Một số hãng hàng không lớn đang có ý định mở đường vận chuyển hàng hóa đến Hà Nội. Ông Quang dự báo lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không năm 2014 sẽ tiếp tục tăng vì xuất khẩu được dự báo tăng. Dù vậy, mảng thị trường béo bở này đều do các hãng hàng không nước ngoài khai thác. Trong việc nắm bắt cơ hội thị trường, các hãng nước ngoài đã “nhanh chân” mở đường bay đến Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, vào tháng 6 năm ngoái, công ty TNHH Vector Aviation Việt Nam (do ông Đỗ Xuân Quang làm Tổng giám đốc) và đối tác Catullo Spa Italy đã ký kết hợp tác để mở đường bay vận tải hàng hóa giữa TPHCM (Việt Nam) với Brescia (Ý) bắt đầu từ tháng 10-2013. Ông Quang cho biết khi ấy, đường bay này được đánh giá rất có tiềm năng, bởi Brescia không chỉ là trung tâm vận tải hàng không quan trọng của khu vực công nghiệp thương mại phía Bắc nước Ý mà còn kết nối với các nước Tây và Nam Âu. Trong bản hợp tác ký kết giữa hai bên, giai đoạn 1 sẽ sử dụng máy bay tải trọng 65-70 tấn, tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng và lượng hàng hóa từ Ý về Việt Nam không như kỳ vọng, kế hoạch này buộc phải dời lại vào một thời điểm thích hợp hơn.

Nhìn tổng quan thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trong những năm tới, ông Quang cho rằng, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là ngang nhau, bởi có một lẽ: không ai hiểu thị trường Việt Nam bằng người Việt Nam. Tuy nhiên, tại hội thảo quốc tế về vận tải hàng hóa hàng không được tổ chức tại TPHCM hồi tháng 4 năm ngoái, ông Cyrille Picard, Giám đốc marketing của hãng Airbus France đã khuyến cáo, những năm tới nhu cầu vận tải hàng hóa tại Việt Nam sẽ tăng cao khi các tập đoàn như Samsung, Canon mở rộng sản xuất, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam là rất lớn. Chính vì thế, Việt Nam nên có những đội bay chuyên chở hàng hóa riêng, nếu không sẽ mất cơ hội vào tay các hãng nước ngoài.

http://www.thesaigontimes.vn/115523/Ngoai-mo-rong-noi-bat-dong.html

Theo Lê Anh/Thời báo kinh tế Sài Gòn

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm