Hãng bay ngoại đua vé rẻ với hàng không Việt
Khai thác sớm, thường xuyên khuyến mại trên những chặng tới Việt Nam, nhiều hãng bay giá rẻ Đông Nam Á đang là đối thủ của doanh nghiệp Việt với mức giá chênh lệch lên tới 30%.
Cùng khai thác thị trường hàng không giá rẻ, cả Jetstar Pacific và Vietjet Air từng có những cuộc đua dài hơi về giá vé trên các chặng bay nội địa. Thế nhưng, không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, những hãng này còn đang chịu áp lực giá rẻ từ các hãng hàng không nước ngoài trên con đường "xuất ngoại".
Đối thủ chính của 2 đại điện giá rẻ của Việt Nam đến từ các nước láng giềng, trong đó chủ yếu là Tiger Airways, AirAsia, hay Cube Pacific. Các chương trình khuyến mãi của hãng này thường áp dụng trên hành trình xuất phát từ Hà Nội hoặc Sài Gòn tới các điểm thuộc khu vực Đông Nam Á, với mức giá rẻ hơn từ 5-30% so với giá của các hãng trong nước.
Cả Jetstar và Vietjet Air đều bị cạnh tranh mạnh từ những hãng bay tại Đông Nam Á cho những chặng bay quốc tế từ Việt Nam. |
Trong tháng 5 và 6, Jetstar Pacific có đợt bán giá rẻ từ Sài Gòn đi Singapore với mức chỉ 150.000 đồng chiều đi và từ 167.000 đồng đến 335.000 đồng chiều ngược lại. Nếu bay khứ hồi, khách hàng phải trả gần 1,5 đến 1,7 triệu đồng cho giá vé, phí sân bay và phí thanh toán qua thẻ.
Gần như cùng thời điểm, Tiger Airways cũng bán giá rẻ 210.000 đồng chiều đi và vé 0 đồng chiều về cho hành trình Sài Gòn - Singapore. Tính cả thuế, lệ phí và chi phí chuyển đổi ngoại tệ 3%, chi phí cho một chặng khứ hồi của hãng này chưa tới 1 triệu đồng, rẻ hơn hẳn so với vé của Jetstar.
Trước và sau khi Vietjet Air khai thác đường bay Hà Nội, TP.HCM đến Bangkok, AirAsia cũng triển khai tới 3 chương trình vé siêu rẻ khứ hồi giá 42 USD với lộ trình tương tự. Hay như điểm đến Malaysia, đại lý của Jetstar chào bán vé 1,2 triệu đồng chặng lẻ từ TP.HCM, thì phía AirAsia bán vé 45 USD xuất phát từ cả Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Riêng Cube Pacific từng tung ra chương trình bán vé tới Philippines có giá chỉ 1 peso (tương đương 550 đồng).
Theo đại diện của một hãng hàng không Việt Nam, việc các hãng nước ngoài và nội địa cùng khai thác một mảng thị trường là không thể tránh khỏi, nhất là khi nhiều hãng đã khai thác đường bay này trước doanh nghiệp Việt Nam. "Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp giá vé trong cùng một giai đoạn của các hãng trùng khớp nhau, ngay cả các chương trình khuyến mãi dù thực hiện dày đặc đến đâu cũng thường không trùng lịch trình, thời điểm. Việc nhiều hãng bay cùng giảm giá mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, tất nhiên cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa".
Bình luận về việc giá vé của một số hãng nước ngoài thấp hơn so với vé của Việt nam, vị này cho biết điều đó tùy thuộc vào chính sách của mỗi hãng và khả năng tài chính. "Số lượng vé siêu rẻ nhiều hay ít, chương trình thực hiện vào mùa cao điểm hay thấp điểm, tất cả đều tác động đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tính toán sao cho hợp lý mà vẫn hỗ trợ việc quảng bá thương hiệu, đó là bài toán riêng của mỗi hãng bay".
Thực tế, cũng giống như những hãng bay của Việt Nam, vé giá rẻ của các nhà cung cấp nước ngoài cũng rất khó đặt mua thành công do có số lượng hữu hạn và thường chỉ áp dụng vé một chiều. "Nếu giá vé khứ hồi của các hãng trong và ngoài nước có mức chênh chỉ từ 5-10% thì nên đặt mua trong nước, vì những thủ tục phát sinh có thể được giải quyết dễ dàng hơn, và nhiều chi phí phụ trội cũng rẻ hơn. Riêng về chặng lẻ, khách hàng nên đặt chiều đi bằng máy bay của hãng Việt Nam và chiều về bằng vé của nước ngoài, khả năng thành công cao và tiết kiệm hơn, bởi các hãng thường ưu tiên cho đường bay xuất phát từ trong nước", chị Hoa, một người chuyên săn vé giá rẻ cho hay.
hạ minh
Theo Infonet