Đất nước Colombia là nơi sản sinh ra những nhà văn kiệt xuất của nhân loại. Ta có thể kể đến các nhà văn như Simon Bolívar, Camilo Torres, Antonio Narino, Francisco de Paula Satander, José Eusebio Caro, José Asuncíon Silva, Guillermo Valencia, Tomás Carrasquilla, José Estuacio Riviera...
Và không thể không kể đến nhà văn Gabriel García Márquez, người giành giải Nobel văn học năm 1982. Với tác phẩm nổi tiếng, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của trào lưu hiện thực huyền ảo được nhiều người biết đến là Trăm năm cô đơn. Tác phẩm được nhà xuất bản Sudamericana in lần đầu bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm 1967 tại Buenos Aires (Argentina).
Một số ấn bản Trăm năm cô đơn trong một triển lãm được thực hiện tại Việt Nam năm 2017. |
Đến năm 1970, truyện đã được in bằng tiếng Tây Ban Nha hơn nửa triệu bản, chưa kể hai lần in ở Cuba là một trăm nghìn bản. Khi đó còn có mười bảy hợp đồng xin phép tác giả được dịch tác phẩm này ra các thứ tiếng khác.
Cho đến nay, tác phẩm đã chuyển dịch qua hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới trong đó có Việt Nam, được tặng giải Chianchiano của Ý, được Pháp công nhận là cuốn sách hay nhất trong năm và được giới phê bình văn học Mỹ đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960.
Riêng với Gabriel García Márquez, các tác phẩm của ông được dịch khá nhiều ở Việt Nam từ những năm 1980, qua các dịch giả Lê Xuân Quỳnh, Phan Quang Định, và đặc biệt nhất là Nguyễn Trung Đức. Trong đó nhiều tác phẩm được yêu thích, tái bản nhiều lần.
Ta có thể kể đến các tiểu thuyết ngoài Trăm năm cô đơn như Tình yêu thời thổ tả; Giờ xấu; Tướng quân giữa mê hồn trận; Tin tức về một vụ bắt cóc; Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Cùng các truyện ngắn như Đôi mắt chó xanh, Ai đó làm rối những bông hồng, Giấc ngủ trưa ngày thứ ba, Đám tang của bà mẹ vĩ đại, Cụ già có đôi cánh khổng lồ, Những người hành hương kì lạ, Người chết trôi đẹp nhất trần gian…
Bản thân nhà văn trước khi được trao giải Nobel cũng từng sang Việt Nam vào giữa tháng 7 năm 1979. Trong gần một tháng ở Việt Nam ông đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người dân và giới chức tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Những tư liệu này giúp ông viết nên thiên phóng sự “Việt Nam nhìn từ bên trong” đăng trên báo Proceso, viết về tình hình Việt Nam sau giải phóng, thống nhất đất nước.
Tác phẩm của Marquez dịch nhiều và nổi tiếng ở Việt Nam, bản thân ông cùng từng tới viết phóng sự về Việt Nam. |
Tuy vậy, văn chương Colombia không chỉ có mình Marquez. Cả một "rừng" đại thụ văn chương chưa được dịch và bạn đọc Việt biết tới
Văn chương Colombia được chia ra nhiều giai đoạn theo lịch sử của quốc gia. Mỗi giai đoạn, nền văn học này lại mang một đặc trưng riêng với những đại diện lớn.
Trong thời kỳ thuộc địa (giai đoạn 1499-1810), dưới đế chế Tây Ban Nha, văn học Colombia thường mang chủ đề là các câu chuyện chinh phục, biên niên sử, chủ đề tôn giáo, tình yêu. Một số tác giả nổi tiếng của giai đoạn này là: Gonzalo Jiménez de Quesada, Juan de Castellanos, Pedro Simón, Francisca Josefa de Castillo y Guevara...
Tới giai đoạn giải phóng và củng cố quốc gia (1780-1830), quá trình độc lập, văn học Colombia ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những động lực chính trị. Trong nửa đầu thế kỷ 19, văn học có đại diện nổi bật nhất là Simón Bolívar. Một số đại diện tiêu biểu khác của giai đoạn này là: Camilo Torres Tenorio, Francisco Antonio Zea, José Fernández Madrid.
Simon Bolivar - một tác giả nổi tiếng khác của Colombia. |
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, văn học Colombia mô tả đầy màu sắc về đời sống nông dân, gắn liền với những lời chỉ trích mạnh mẽ của xã hội, chính phủ. Hình thành nên một dòng văn học được gọi là "Costumbrista", với các tác giả nổi bật là Tomás Carrasquilla, Eustaquio Palacios...
Văn học hiện đại Colombia với chủ đề chính là những điều xấu xa và sự bí ẩn, với các đại diện tiêu biểu như Emilia Ayarza, Jose Eustasio Rivera, Rafael Maya, León de Greiff... Một trong những tác giả đại diện thời kỳ này là José Eustasio Rivera, tác giả của La Vorágine , một cuốn tiểu thuyết mô tả chế độ nô lệ tàn bạo.
Quá trình công nghiệp hóa ở châu Mỹ Latin trong thế kỷ 20 đã tạo ra các phong trào văn chương mới tại Colombia, trong đó có phong trào thi ca "Piedra y Cielo" (Đá và Bầu trời). Các đại diện tiêu biểu thời này là: Eduardo Carranza, Jorge Gaitán Durán, Jorge Rojas...
Các sự kiện bạo lực ở Colombia những năm 1940-1945, sự mở rộng đô thị khiến văn học đất nước này hình thành phong trào Nadaismo, gồm các yếu tố của chủ nghĩa hiện sinh, thuyết hư vô...
Những năm 1960-1970, trong giai đoạn bùng nổ của văn học Mỹ Latin (Boom Latinoamericano), văn học Colombia cũng bước vào thời kỳ sung mãn. Trong giai đoạn này, có những nhà văn bùng nổ thực sự với tác phẩm lưu hành rộng rãi ở châu Âu và trên toàn thế giới. Tiêu biểu nhất là giai đoạn này là Gabriel García Márquez, bên cạnh đó còn có Eduardo Caballero Calderón, Manuel Mejía Vallejo, Álvaro Mutis...