Đêm diễn cuối tại Hà Nội của Memento Mori - Hãy nhớ ta đang sống - tiểu phẩm chuyển thể từ cuốn sách Điểm đến của cuộc đời của TS. Đặng Hoàng Giang đã diễn ra vào tối 2/7 trong một không gian ấm cúng với sức chứa vỏn vẹn khoảng 100 người.
Bức tranh Lâm vẽ tặng Nam - nhân vật thật trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời. |
Nghẹt thở
18h30, trước thời điểm chương trình bắt đầu một tiếng, Lâm ngồi một mình trong khu trưng bày. Cậu bé 11 tuổi lặng lẽ vẽ bức tranh tặng Nam - nhân vật mà cậu sẽ đóng trong tiểu phẩm. Bức tranh chỉ có hai màu đen - trắng, và cũng chỉ có hai nhân vật thần chết và Nam.
Góc bên trên bức tranh, Lâm viết: "Món quà gửi đến bạn Nam. Một bức tranh tớ đã vẽ để vĩnh biệt cậu ra đi bình yên cùng với thần chết. Cảm ơn cậu đã tặng cho tớ một vai diễn phù hợp với tớ nhé. Chào cậu!".
Nam chạc tuổi Lâm, nhưng đã qua đời vì căn bệnh ung thư xương quái ác. Nam đáng yêu và hồn nhiên lắm. Mẹ Nam, chị Hà kể rằng ngày Nam rời bệnh viện để về nhà, hai bên hành lang bệnh viện vẫy tay chào Nam, như một bộ phim Hàn Quốc vậy.
Đứng bên Lâm, ngắm nhìn bức tranh Lâm vẽ tặng bạn, người xem như nghẹt thở. Cảm giác nghẹt thở ấy cũng là cảm giác chung khi tham quan khu trưng bày về Nam, Liên và Vân - ba nhân vật có thật trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời, và cũng là ba bệnh nhân ung thư đã qua đời.
Hai nghệ sĩ múa trong phần mở đầu của tiểu phẩm. |
19h30, chương trình bắt đầu. Trong tiếng đồng hồ tích tắc, hai nghệ sĩ múa đương đại Nguyễn Duy Thành và Vũ Ngọc Bảo xuất hiện trong hai sắc diện "đồ đen và bán thân". Một nghệ sĩ ôm trái bóng bay trong những cảm xúc khác nhau, khi thì nhẹ nhàng, bay bổng khi thì sợ hãi, đau đớn, giữ chặt.
Màn múa khiến người xem không thể rời mắt, tim đập nhanh dù có thể mỗi người sẽ có một cách hiểu khác nhau. Màn múa chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng tương đối nặng về mặt cảm thụ.
Phần hát trong tiểu phẩm dù tương đối độc lập, những tưởng không liên quan gì đến nội dung trước là múa và nội dung sau là kịch nhưng thực chất lại là một mối nối đẹp. Tiếng nhạc, bằng cách nào đó luôn giúp tâm hồn người nghe trở nên thoải mái, nhẹ nhõm.
Sau chương trình, Mỹ Linh chia sẻ rằng chị đã đọc cuốn Điểm đến của cuộc đời rất nhiều lần để nhận ra những bài học cho mình. Diva khuyên mọi người hãy đọc câu chuyện về những người cận tử để hiểu rằng ai cũng phải chết. Chúng ta luôn bình đẳng trước cái chết, và do vậy đừng sống một cuộc sống quá căng thẳng.
Khốc liệt
Tiểu phẩm Hãy nhớ ta đang sống của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật của các bệnh nhân ung thư và người nhà mà tác giả Đặng Hoàng Giang tiếp xúc và đồng hành trong hành trình cận tử của họ.
Đó là Vân, người đã gửi gắm những lời dặn dò, nhắn nhủ cuối cùng cho hai con gái qua những đoạn ghi âm ngắt quãng bởi sức khoẻ của chị càng về cuối càng không cho phép. Nhân vật Vân trong thực tế đã dùng những ngày cuối của cuộc đời mình thuyết phục gia đình chấp nhận cho chị hiến giác mạc, làm một điều có ích cho đời.
Đó là Hà, người đã đối mặt với việc căn bệnh ung thư xương đến với đứa con trai 10 tuổi của chị, bé Nam. Sự hồn nhiên, vô tư và cách sử dụng ngôn từ đặc biệt của em, có thể càng xoáy sâu vào lòng người xem sự thương cảm và day dứt khôn nguôi làm thế nào vượt qua nỗi đau, mất mát và tiếp tục sống khi người thân yêu nhất của mình mãi mãi ra đi.
Thu Huyền vai Hà và Lâm vai Nam trong tiểu phẩm. Mẹ của Lâm cũng đang là bệnh nhân ung thư. |
Và Liên, cô gái trẻ với nhiều hoài bão ước mơ bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, 15 năm ăn học, 3 năm đi làm. Cuộc chiến cam go nhất của cô, có lẽ không phải với những liệu trình trị xạ, mà với chính bản thân cô: Làm sao để bỏ đi những sân si, tìm được cho mình ý nghĩa của cuộc sống để cuối cùng đến với cái chết một cách thanh thản?
Vì thời lượng có hạn, tiểu phẩm chỉ có thể tái hiện lại một vài trích đoạn của các nhân vật đã được tác giả Đặng Hoàng Giang ghi lại trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời. So với những khốc liệt của đời thực, tiểu phẩm như chính tác giả và các diễn viên thừa nhận "chỉ mới nói được một phần nhỏ".
Cái chết
Chị Hà, mẹ của Nam chia sẻ rằng Nam đã ra đi rất nhẹ nhàng. Nam có một người mẹ thật dũng cảm, người nói cho Nam nghe về căn bệnh đáng sợ nhất, bệnh ung thư. Và Nam đã ra đi, như để mở ra một cánh cửa khác.
Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng được như thế. Có những cái chết đã rất khốc liệt, vì khi bệnh viện trả về, không có thuốc giảm đau, nhiều bệnh nhân ung thư đã chết trong đau đớn.
Một trong những thông điệp đằng sau Điểm đến của cuộc đời cũng như tiểu phẩm Hãy nhớ, ta đang sống là hãy đồng hành với những bệnh nhân ung thư, và quan trọng hơn hãy giúp những bệnh nhân ung thư thoải mái đón nhận với sự thật của căn bệnh, không né tránh.
Huế, người đóng vai Liên trong tiểu phẩm cũng là một bệnh nhân ung thư. Huế chia sẻ rằng “Cái chết bây giờ gần như quá vô thường với em. Mỗi ngày, em có thể nghe rất nhiều cái chết của bệnh nhân ung thư. Trước kia em có thể khóc cả ngày vì một người không quen biết nhưng bây giờ điều đó rất vô thường, ai cũng phải mất. Với bệnh nhân ung thư, đó là giải thoát".
Lâm mỉm cười, trên tay cầm bông hoa sen trắng mà BTC gửi tặng. |
Sen trắng
Mỗi diễn viên được tặng một bông hoa sen trắng khi đêm diễn kết thúc. Những bông hoa sen trắng thơm ngát cũng là biểu tượng của tình yêu thương, của sự vô thường.
Vỏn vẹn trong khoảng một tiếng rưỡi, nhưng tiểu phẩm Hãy nhớ, ta đang sống đã khiến không ít khán giả ngồi dưới rơi nước mắt. Những câu chuyện có thật lại được kể bằng những diễn viên rất thật khiến những giọt nước mắt cứ lăn dài. Ê-kíp thậm chí đã phải chuẩn bị khăn giấy để đưa cho những khán giả của mình.
Một tiểu phẩm đặc biệt trong một cấu trúc đặc biệt. Có thể các diễn viên không quá xuất sắc trong diễn xuất, mạch nối giữa múa - hát - kịch của chương trình còn chưa được chặt chẽ, ăn ý. Nhưng sau tất cả, cảm xúc là thứ đã chạm đến trái tim người xem.