Hãy để thời gian lùi lại một vài ngày. Đó là khi đội tuyển Nhật bị dư luận mắng chửi té tát sau màn câu giờ 10 phút trong trận gặp Ba Lan cuối vòng bảng. Người ta phản ứng dữ dội không chỉ vì ngay sau đó, Nhật là đội được quyền đi tiếp nhờ chỉ số fair-play cao hơn so với Senegal.
Thực ra, người ta phản ứng dữ dội còn vì niềm tin vào văn hóa và con người Nhật Bản. Đó là nền văn hóa đã tạo nên Tsubasa. Một bộ truyện tranh không chỉ là truyện tranh, mà là triết lý chơi bóng vì tình yêu theo cách trong sáng, thuần khiết nhất.
Nên người ta có chút ngỡ ngàng khi đất nước sản sinh ra chàng cầu thủ Tsubasa, với hình mẫu là Diego Maradona, lại có ngày chơi bóng tính toán thực dụng, dù đó nói cho cùng là quyền của họ.
Chàng trai trên tấm poster khổng lồ là ai?
Khi poster Tsubasa tung bay trên khán đài trận Nhật - Bỉ đêm qua, không phải khán giả nào cũng có chung một cảm xúc. Khán giả châu Âu sẽ thấy bàng quan. Họ không biết chàng cầu thủ bằng hình vẽ kia là ai. Chiếc cúp cậu ta cầm trông có vẻ xa lạ và trẻ con. Nhưng cậu ta mặc chiếc áo số 10 của các huyền thoại. Và điều đặc biệt nhất là cậu ta có mặt ở đây, trên sân vận động khi đội tuyển Nhật Bản thi đấu.
Vậy chàng trai đó là ai?
Tấm poster Tsubasa gợi nên bao cảm xúc với người yêu bóng đá. Ảnh: Twitter nhân vật. |
Khán giả châu Á có thể biết. Khán giả Việt Nam cũng nhiều người biết. Thế hệ 8X của Việt Nam đã lớn lên cùng với Tsubasa và vô vàn bộ truyện tranh khác, đều có thể biết.
Nhưng biết và cảm nhận được thông điệp của người Nhật hay không là hai chuyện khác nhau.
Đó là Tsubasa Oozora, nhân vật chính trong bộ truyện tranh đồ sộ do họa sĩ Yōichi Takahashi sáng tạo ra vào năm 1981, sau này được chuyển thể thành series phim hoạt hình cùng tên dài hàng trăm tập.
"Bóng đá là bạn", Tsubasa đã nói vậy, như một triết lý đơn sơ nhưng rất sâu sắc của trẻ con, còn một trong những đối thủ chính của cậu, Kojiro Hyuga, lại coi bóng đá là công cụ. Cuộc đối đầu giữa Tsubasa và Kojiro có bóng dáng của cuộc đối đầu Messi - Ronaldo sau này. Một lãng mạn một thực dụng. Một hồn nhiên một toan tính. Một bay bổng một tỉnh táo.
Ai sẽ thắng? Đó là câu hỏi dai dẳng của bóng đá. Có vô vàn câu trả lời khác nhau ở các thời đại khác nhau. Nhưng đừng quên một điều, Tsubasa là nhân vật chính và là tinh thần của bộ truyện.
Cặp kỳ phùng địch thủ Kojiro - Tsubasa. Ảnh: Shueisha. |
Trong suốt bộ truyện, Tsubasa trưởng thành từ những sân chơi của trường học lên đến các giải trẻ khác, lên đến cấp quốc gia và rồi trở thành chủ nhân giải Vô địch Thế giới U17, trước rời đất nước sang Brazil chơi bóng. Mãi sau này, Tsubasa còn đá cho cả Barcelona nhân một chuyến đi giàu cảm xúc của tác giả đến sân Camp Nou.
Dù đá ở đâu, cậu vẫn giữ triết lý về tình yêu bóng đá thuần khiết đến ngây thơ.
Ngây thơ so với người lớn thôi, bởi người lớn thì thật xấu hổ, tâm hồn phần nào đã vấy bẩn rồi. Chứ sự ngây thơ đó chính là đôi cánh đưa những ước mơ của lũ trẻ bay xa.
Và đặc biệt hơn, bộ truyện tranh có nguồn cảm hứng là World Cup. Takahashi vẽ nên Tsubasa nhờ cảm hứng từ vòng chung kết World Cup năm 1978. Cũng là năm đội chủ nhà Argentina đã vô địch trong một giải đấu khá tai tiếng. Cũng là năm đầu tiên World Cup đến với Việt Nam qua Đài tiếng nói Việt Nam, còn truyền hình vẫn chưa phát trực tiếp các trận đấu mà phát lại qua băng ghi hình.
Tại Việt Nam, Tsubasa (tên đầy đủ là Captain Tsubasa) được xuất bản đầu tiên với tên gọi được Việt hóa, Subasa. Những tập truyện vừa nhỏ, mỏng, mòn vẹt và quăn góc đã được các cậu bé, cô bé chuyền tay nhau trong những ngày hè bỏng cháy của tuổi thơ mình, cũng là tuổi thơ của nhân vật.
Sau này, khi những thế hệ sau của trẻ em Việt Nam trở nên quen với ngoại ngữ hơn, cuốn truyện được trả lại tên, Tsubasa. Một cái tên đẹp với ý nghĩa là đôi cánh, xuất hiện rất nhiều trong sách, phim ảnh và các văn hóa phẩm đến từ Nhật Bản.
Nay, nguồn cảm hứng đó trỗi dậy cùng với trái bóng lăn ở mùa hè nước Nga xa xôi. Đặc biệt là với sự có mặt của người Nhật, cụ thể hơn là cổ động viên Nhật và tinh thần Tsubasa bất diệt của họ.
Gốc rễ của bóng đá luôn là tình yêu thuần khiết
Trước Tsubasa, Nhật Bản vẫn là đất nước không mấy yêu bóng đá. Sau Tsubasa, điều này đã phần nào thay đổi. Môn thể thao vua của Nhật vẫn là bóng chày, một nét văn hóa rất Mỹ, nhưng nhờ Tsubasa, nhiều người Nhật cũng nhìn thấy vẻ đẹp của bóng đá. Đến nay, có hàng triệu người Nhật chơi bóng thường xuyên ở các cấp độ nghiệp dư và chuyên nghiệp.
Hay đúng hơn là vẻ đẹp của tình yêu thuần khiết và khao khát vươn lên. Thứ tinh thần đó giúp chúng ta tỏa sáng ở bất cứ đâu. Các tác giả chỉ làm một điều đơn giản là đưa triết lý đó vào một bộ truyện tranh thể thao.
Bóng đá vẫn rất đẹp và thuần khiết trong ánh mắt của những cậu bé. Ảnh: Shueisha. |
Trên sân cỏ rạng sáng 3/7, đội tuyển Nhật cũng chơi bóng với một thứ tinh thần Tsubasa như thế. Họ dẫn trước 2 bàn, trong đó có cú sút đẹp mắt của Takashi Inui khiến người ta liên tưởng đến kỹ năng chơi bóng của Tsubasa, nhưng rồi đánh mất chiến thắng trước dàn cầu thủ "thế hệ vàng" của đội tuyển Bỉ.
Họ thua vì thực lực Bỉ mạnh hơn không thể phủ nhận. Họ thua nhưng đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Họ thua không tiểu xảo, không toan tính câu giờ. Họ thua theo cách đẹp đẽ nhất của một người đã chiến thắng chính mình.
Bên ngoài những trang truyện, hiện thực luôn tàn khốc. Bóng đá cũng không mãi là những giấc mơ của trẻ con. Rồi một ngày cậu bé với tình yêu thuần khiết cũng phải lớn và biết đâu đấy, đóng kịch giỏi như Neymar. Hoặc chơi bóng với sức mạnh tinh thần khủng khiếp như Ronaldo (nhưng vẫn thất bại). Hoặc gánh sức nặng của một "anh hùng dân tộc" trên vai và khoác lên mình vẻ u buồn như Messi. Cậu bé ấy sẽ hiểu làm người lớn thật mệt, vì tình yêu không là tất cả.
Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xa rời thứ đã đưa tất cả chúng ta đến với bóng đá: Tình yêu thuần khiết của đứa trẻ bên trong mình. Kể cả những người toan tính nhất, biết đâu họ cũng mơ một ngày không cần toan tính nữa.