"Tháng 12/1992, tôi đang ở trên đỉnh thế giới. Tôi được bầu chọn là 'Cầu thủ hay nhất thế giới' và giành Quả Bóng Vàng thứ ba, san bằng thành tích với Johan Cruyff và Michel Platini. Tôi giành 3 chiếc cúp châu Âu, ghi bàn trong 2 trận chung kết. Tôi cũng là người đầu tiên ghi 4 bàn trong một trận Champions League.
Nhưng cũng trong tháng đó, tôi ngã nhào xuống. Chấn thương trong trận gặp Ancona ngày 13/12/1992 quá tệ hại. Lại là mắt cá chân phải. Ngay trước Giáng sinh, tôi nằm dưới mũi dao phẫu thuật của bác sĩ Marti. Tôi không biết rằng sau đó, tôi không bao giờ sút được quả bóng như ý, đỡ được quả bóng hoàn hảo và chạy tăng tốc được nữa. Không bao giờ nghe tiếng lạo xạo bóng cọ vào mành lưới, hét lên vui sướng như một đứa trẻ sau khi ghi bàn.
3 năm tiếp theo, tôi thử mọi cách, gặp các chuyên gia giỏi nhất để chữa mắt cá chân, nhưng vô hiệu. Tất cả kết thúc. Cuối cùng, tôi chỉ ước, mình có thể đi bộ ra tiệm bánh mà không cảm thấy quá đau".
Marco Van Basten viết lời mở đầu cho cuốn tự truyện “Basta: My Life, My Truth” xuất bản năm 2019 như vậy. Cầu thủ giành 3 Quả Bóng Vàng khi mới 28 tuổi đã kết thúc sự nghiệp của mình một cách buồn bã. Ông là mẫu tiền đạo toàn năng mà có lẽ phải sánh ngang với Messi hay Ronaldo sau này. Dưới đây là đoạn trích trong cuốn sách về nguyên nhân thất bại lớn nhất của Van Basten: World Cup 1990.
Đội tuyển cần một người cá tính như Cruyff
"Ba người Hà Lan bay" giúp AC Milan khuynh đảo bóng đá thế giới giai đoạn 1988-1992: Rijkaard, Van Basten và Gullit. |
Trong nhiều ngày, tôi chỉ nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, vào khu vườn rộng lớn. Vào hư vô. Tôi không thể chịu được khi đối mặt với bất kỳ ai. Chúng tôi cách Cannes không xa, ở miền Nam nước Pháp, trong một biệt thự gần biển, dĩ nhiên Liesbeth cũng ở đó và con gái Rebecca của chúng tôi.
Tôi rất xấu hổ. Chúng tôi tự làm mình thất vọng tại World Cup ở Italy. Đó là thất bại lớn nhất của tôi. Cho đến lúc đó, gần như mọi thứ biến thành vàng qua đôi chân tôi, 1987, 1988, 1989 và 1990, mỗi năm một chiếc cúp lớn. Nhưng World Cup này, đó là một sự ô nhục. Hà Lan là đương kim vô địch Euro 1988, với đội hình hiện có, chúng tôi nằm trong số những ứng cử viên cho cúp vô địch thế giới.
Nhưng mọi thứ đi sai, trên mọi mặt trận. Bắt đầu từ vòng loại, với Thijs Libregts là HLV ĐTQG. Ruud Gullit có mối quan hệ hờ hững với ông ta trong nhiều năm, sau khi ông ta, với tư cách là HLV của Feyenoord, nhận xét Gullit bất tài vào năm 1984. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Gullit không hài lòng với ông ta. Phần lớn nhóm cầu thủ cũng không nghĩ ông ta phù hợp cho World Cup. Tháng 2/1990, sau trận giao hữu với Italy, Gullit, với tư cách là đội trưởng, thay mặt các cầu thủ, đưa ra một thông điệp rõ ràng tới LĐBĐ Hà Lan: Chúng tôi muốn Libregts ra đi.
LĐBĐ triệu tập các cầu thủ tại khách sạn Schiphol Hilton vào ngày 25/3, ngay trước khi đội khởi hành đến Kyiv để đá trận giao hữu với Liên Xô. Một sự hiện diện đáng chú ý vào buổi tối hôm đó là Rinus Michels, HLV dẫn dắt chúng tôi vô địch Euro 1988. Sau giải đó, Michels đến làm việc cho Bayer Leverkusen, nhưng không trụ lại hết một mùa. Mùa thu 1989, ông trở lại LĐBĐ Hà Lan với tư cách Giám đốc Kỹ thuật.
Chủ tịch LĐBĐ Martin van Rooijen, mới nhậm chức vào ngày 1/11/1989, không có nền tảng bóng đá. Michels và Van Rooijen thay mặt LĐBĐ lắng nghe ý kiến của các cầu thủ. Michels rõ ràng lường trước được việc loại bỏ Libregts, ông ấy lập tức giới thiệu cho chúng tôi ba cái tên có khả năng thay thế. Aad de Mos, người đã thành công với KV Mechelen, đang là HLV của Anderlecht. Leo Beenhakker, từng là HLV của Ajax, trước đó đã tạm thời đảm nhiệm vị trí HLV ĐTQG. Và Johan Cruyff, HLV Barcelona.
Sau khi tham khảo ý kiến các cầu thủ, tôi nói: “Johan là người giỏi nhất trong ba người này, vì vậy tôi chỉ muốn Johan Cruyff. Tốt nhất là bây giờ tất cả chúng ta nên bỏ phiếu”. Lúc này Michels và Van Rooijen rời khỏi phòng. Kết quả rõ ràng: 8 phiếu cho Johan Cruyff, 3 cho Beenhakker và 2 cho De Mos. Thông điệp gửi tới LĐBĐ rõ ràng. Vì Frank Rijkaard, Gullit và tôi không đến Kyiv vì các cam kết với AC Milan, Ronald Koeman được giao nhiệm vụ thay mặt nhóm thông báo kết quả bỏ phiếu cho Michels.
Đối với tôi, được đến World Cup với Johan Cruyff làm HLV là một giấc mơ. Đó là một người mà mọi người đều tôn trọng và sẽ lắng nghe. Một cá tính mạnh mẽ, giỏi hơn về mặt kỹ thuật và chiến thuật so với các ứng cử viên khác. Chúng tôi cần một người như ông ấy. Michels bắt đầu vào việc của ông ta, có lẽ sẽ bắt đầu bằng cuộc nói chuyện với Johan Cruyff. Chúng tôi không nghĩ nhiều về việc này, vì vẫn còn đang chiến đấu trên ba mặt trận với Milan.
Đội tuyển không còn là một thể thống nhất
Bom rơi nổ vào cuối tháng 4. Michels triệu tập một cuộc họp tại khách sạn Van der Valk ở Sassenheim, với 5 cầu thủ Ronald Koeman, Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Hans van Breukelen và tôi. Chúng tôi có mặt ở đó khi phái đoàn LĐBĐ bước vào: Michels, Van Rooijen và, trước sự ngạc nhiên hoàn toàn của chúng tôi, Leo Beenhakker.
Rinus Michels được các cầu thủ công kênh sau trận chung kết Euro 1988, bìa phải là Van Basten. Anh ghi một bàn thắng "không tưởng" vào lưới Liên Xô trong trận chung kết. |
Chúng tôi họp với họ tháng trước và nghĩ rằng Johan Cruyff là điều hiển nhiên. Vậy mà Michels xuất hiện cùng Beenhakker như một “sự đã rồi”, tước đoạt của chúng tôi bất kỳ cơ hội nào để thảo luận. Chúng tôi được thông báo rằng Beenhakker sẽ được giới thiệu với báo chí vài ngày sau đó.
Chúng tôi rất ngạc nhiên và tức giận. Tại sao lại đột nhiên là Beenhakker? Michels đặt chúng tôi vào thế khó và dường như chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng ông ta. Đó là lý do tại sao sau đó tôi nói trên các phương tiện truyền thông rằng Michels vừa lợi dụng chúng tôi để loại bỏ Libregts, vừa đi theo con đường riêng của mình và phớt lờ mong muốn của các cầu thủ. Đó là khởi đầu của sự kết thúc cho World Cup của chúng tôi.
Tôi nghi ngờ rất nhiều về vai trò của Michels, có lẽ ông ta liên lạc với Johan Cruyff, nhưng Johan Cruyff gặp khó khăn? Michels có một chuyên mục trên tờ báo AD, cho phép ông gieo rắc bất hòa giữa các cầu thủ. Ruud Gullit, Frank Rijkaard và tôi đến trại tập luyện chuẩn bị cho World Cup muộn hơn 7 ngày so với những người khác, vì chúng tôi phải đá trận chung kết cúp C1 với Benfica. Thế mà các báo moi việc chúng tôi tập trung muộn ra nói và bảo chúng tôi cư xử đỏng đảnh như “diva”. Cả De Telegraaf và AD liên tiếp gieo rắc bất hòa trong đội tuyển, phân bì đội thành hai phe “ngôi sao” và “thợ”.
Chất lượng tập luyện khá thảm hại. Chúng tôi đều tỏ ra căng thẳng, mọi thứ gần như vượt khỏi tầm kiểm soát, có quá nhiều nhóm nhỏ và chúng tôi không còn là một thực thể duy nhất. Thậm chí, tôi và Frank Rijkaard còn cãi nhau, dù chúng tôi chơi bóng cùng nhau từ Ajax đến Milan. Ruud Gullit gặp rắc rối với chấn thương đầu gối, nhưng chúng tôi rất hài lòng với Ruud Gullit ở tư cách là đội trưởng và đầu mối liên lạc.
Trước World Cup, chúng tôi hạ trại trong một lâu đài ở Nam Tư. Nó rất bụi bặm, tôi ngủ không ngon vì bụi trong phòng ngủ. Và trời rất lạnh. Mặc dù sau đó chúng tôi sẽ phải thi đấu dưới cái nóng của Sicily và Sardinia.
Hành động của Michels bắt nguồn từ sự ghen tị
World Cup tới. Ở Palermo, chúng tôi khó khăn mới có trận hòa 1-1 với Ai Cập. Chúng tôi chơi kém và thiếu nhất quán. Trận đấu thứ hai, vài ngày sau tại Cagliari, gặp Anh, kết thúc với tỷ số 0-0. Thật may mắn khi 2 bàn thắng của đội tuyển Anh không được công nhận.
Trận thứ ba, vào ngày 21/6, gặp Ireland ở Palermo. Một lần nữa chúng tôi lại chơi tệ. Với tỷ số 1-1 khi còn 15 phút nữa, chúng tôi đóng sập hàng thủ. Vì 3 trận hòa sẽ là đủ để chúng tôi đi tiếp vào vòng 16 đội với tư cách là đội đứng thứ ba trong bảng. Thật tệ.
Chuẩn bị không tốt, đội tuyển Hà Lan gây thất vọng tại World Cup 1990, không như những gì họ thể hiện trước đó 2 năm. |
Rồi đến trận vòng 1/8 ở Milan. Tại San Siro. Đối thủ lớn nhất là Tây Đức. Trời nóng, hơn 35 độ. Trong hiệp hai, tôi bị chuột rút khủng khiếp, một phần vì quá căng thẳng, nhưng sau đó dường như mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi. Frank Rijkaard và Rudi Völler không còn trên sân vì cả hai đều nhận thẻ đỏ. Họ dẫn trước 2-0, quả phạt đền của Koeman vào cuối trận không đủ. Quá muộn.
Leo Beenhakker vẫn nói về hộp số 13, thứ mà ông khẳng định chứa đựng mọi bí mật về lý do tại sao World Cup 1990 không thành công. Nhưng tôi nghĩ rằng, hộp 13 tốt nhất là trống rỗng. Câu chuyện về Michels, người đã phớt lờ mong muốn có Johan Cruyff của chúng tôi, mới là mấu chốt của vấn đề.
Nhiều năm sau, chúng tôi phát hiện ra rằng Michels chưa bao giờ thảo luận về công việc với Johan Cruyff. Van Rooijen cũng không biết Michels đã hoặc chưa nói chuyện với ai. LĐBĐ để việc lựa chọn HLV ĐTQG hoàn toàn vào tay Michels. Hóa ra ông ấy chỉ nói chuyện với một ứng cử viên duy nhất là Beenhakker.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết lý do thực sự của Michels là gì. Nhưng cảm giác của tôi là ông ấy sợ rằng Johan Cruyff sẽ vượt qua ông ấy bằng cách dẫn dắt Hà Lan vô địch thế giới. Rằng Johan Cruyff sẽ xóa đi thành công của Euro 1988 bằng việc giành cúp thế giới. Michels muốn ngăn chặn điều đó xảy ra, tôi nghĩ vậy. Nó xuất phát từ một cảm xúc cơ bản của con người: sự ghen tị.
Mục Thể thao giới thiệu Soccernomics của hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski, cuốn sách phơi bày phần nào sự thật về nền công nghiệp bóng đá với đại diện tiêu biểu là những ông lớn như Real Madrid, Barcelona, Manchester United...