Cụ thể, ngày 1/4, Bộ Công Thương nhận được hình ảnh “văn bản” được cho là của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 1/4 theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bộ Công thương khẳng định hình ảnh "văn bản" về việc Trung Quốc cấm nhập khẩu ớt Việt Nam là giả mạo. Ảnh: BCT. |
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc, xác minh thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu).
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu khẳng định hình ảnh “văn bản” trên là giả mạo, không phải do phía Hải quan Trung Quốc ban hành. Ngoài ra, nội dung trong hình ảnh “văn bản” trên có nhiều lỗi về thể thức và ngôn ngữ, nhận định sơ bộ có dấu hiệu chỉnh sửa hình ảnh.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu ớt đi thị trường Trung Quốc từ tháng 5/2020 cũng đang gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất phương án tháo gỡ các vướng mắc nêu trên nhằm đưa hoạt động xuất khẩu sản phẩm ớt Việt Nam đi thị trường Trung Quốc trở lại bình thường. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương.
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều nhà hàng, khách sạn tại Trung Quốc phải đóng cửa, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ ớt tại thị trường này giảm mạnh. Giá ớt tại Trung Quốc có thời điểm giảm 0,77-0,86 USD/kg xuống chỉ 0,3-0,34 USD/kg. Mức giá này càng thấp xa so với khoảng 1,08-1,29 USD/kg của các năm trước.
Với vị thế là nước nhập khẩu ớt lớn, việc Trung Quốc tiêu thụ chậm lại ảnh hưởng không nhỏ đến ngành ớt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.