Nỗ lực của Bộ tứ Đối thoại Quốc gia khiến bạo lực ngừng lan rộng ra khắp Tunisia. Ảnh: AP |
Đầu tháng 10/2013, giới cầm quyền vốn không đoàn kết ở Tunisia tham gia "đối thoại quốc gia để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị khiến đất nước tê liệt trong nhiều tháng.
Ngày 5/10/2013, hai trong số 3 đảng cầm quyền (Troika), đảng Hồi giáo Ennahda và đảng Ettakatol (theo đường lối dân chủ, xã hội) đạt được sự đồng thuận về một "lộ trình" mà 21 đảng khác ủng hộ. Đại hội vì Nền cộng hòa (CPR), đảng của Tổng thống lâm thời Moncef Marzouki, từ chối ký bản thỏa thuận vì cho rằng đây không phải một phần trong tiến trình thảo luận.
Phần lớn đảng thuộc Mặt trận Cứu nguy Dân tộc (NSF) ký thỏa thuận.
Theo lộ trình, các bên tham gia ký kết sẽ bầu ra một người để lãnh đạo chính phủ kỹ trị trong vòng 3 tuần. Quốc hội sẽ có 4 tuần để hoàn thành bản dự thảo Hiến pháp mới, luật bầu cử và chọn ủy ban bầu cử để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu vào năm sau.
Tổng liên đoàn Lao động Tunisia, Hiệp hội Doanh nghiệp Tunisia, Liên minh Nhân quyền Tunisia và Liên minh Ủng hộ hòa bình soạn thảo, đề xuất lộ trình. Vì thế, giới truyền thông gọi 4 lực lượng này là "Bộ tứ Đối thoại Quốc gia".
Trong nhiều tháng bộ tứ làm trung gian giữa các đảng để tìm lối thoát khỏi thế bế tắc chính trị.
"Bộ tứ Đối thoại Quốc gia đã góp phần quyết định vào việc xây dựng nền dân chủ ở Tunisia trong thời kỳ mà các vụ ám sát chính trị và bất ổn xã hội tràn lan", Ủy ban Giải Nobel tuyên bố.
Theo Ủy ban Giải Nobel, một nhân tố quan trọng đối với sự ổn định ở Tunisia là cuộc bầu cử vào mùa thu năm ngoái.
Cuộc bầu cử diễn ra nhờ sự ủng hộ của Bộ tứ Đối thoại Quốc gia đối với Quốc hội, bản dự thảo Hiến pháp. Họ đã tạo cơ chế để người dân và chính quyền có thể đối thoại để tìm ra sự đồng thuận trong việc hàn gắn sự chia rẽ về chính trị và tôn giáo trong xã hội. Nỗ lực ấy đã ngăn chặn bạo lực lan rộng khắp đất nước.