Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia giành giải Nobel Hòa bình

Ủy ban Nobel Hòa bình của Quốc hội Na Uy vừa quyết định trao giải cho Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia vì nỗ lực xây dựng nền dân chủ ở quốc gia Bắc Phi này.

Các thành viên của Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia. Ảnh chụp tháng 9/2013: AFP
Các thành viên của Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia. Ảnh chụp tháng 9/2013: AFP

Bộ tứ này được thành lập vào mùa hè năm 2013 khi quá trình dân chủ hóa ở Tunisia có nguy cơ sụp đổ vì các vụ ám sát chính trị và bất ổn xã hội. Nó thiết lập tiến trình chính trị hòa bình để nắm quyền lãnh đạo đất nước trong thời điểm quốc gia Bắc Phi bị đẩy tới bờ vực nội chiến. 

Bộ tứ Đối thoại Quốc gia bao gồm 4 tổ chức chủ chốt trong xã hội dân chủ Tunisia. Đó là Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn Công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia (UTICA), Liên minh Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Đoàn Luật sư Tunisia (ONAT).

Những tổ chức này đại diện cho các tầng lớp và lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Bộ tứ thực hiện vai trò trung gian hòa giải và tạo động lực cho hòa bình, dân chủ phát triển ở Tunisia. 

Houcine Abassi, một lãnh đạo trong các nhóm thuộc bộ tứ vừa nhận giải Nobel Hòa bình, cho biết ông rất xúc động khi nhận giải thưởng danh giá. “Nó là sự ghi nhận cho nỗ lực suốt hai năm qua của chúng tôi để gìn giữ Tunisia”, Abassi nói. 

Giải Nobel Hòa bình được công bố lúc 16h chiều 9/10 theo giờ Việt Nam. Đây được coi là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel. Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển chịu trách nhiệm trao thưởng 5 giải Nobel bao gồm Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế. Giải Nobel hòa bình do Ủy ban trao giải của Quốc hội Na Uy chọn ra.

Tuy nhiên, Nobel Hòa bình cũng là giải thưởng thường gây tranh cãi nhất. Ủy ban trao giải Nobel Hòa bình thường không công bố hồ sơ về những người được đề cử trong suốt nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ủy ban này tiết lộ có 273 ứng viên, bao gồm 68 tổ chức và 205 cá nhân được đưa vào diện xét duyệt trong năm 2015.

Kể từ năm 1901 tới năm 2014, 95 giải Nobel Hòa bình được trao. 16 phụ nữ nhận giải thưởng này trong đó Malala Yousafzai, 17 tuổi, là người trẻ nhất được vinh danh. Độ tuổi trung bình của chủ nhân giải Nobel là 62.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm