Nhà khoa học Arthur B. McDonald làm việc ở Đại học Queen và ông Takaaki Kajita đang làm việc tại Đại học Tokyo. Ảnh: Guardian |
Hai nhà khoa học người Nhật Bản và Canada được trao giải cho công trình về nghiên cứu chứng minh các hạt cơ bản có khối lượng. Phát hiện này làm thay đổi khá nhiều hiểu biết của nhân loại trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.
Nhà khoa học Takaaki Kajita đang làm việc tại Đại học Tokyo trong khi Arthur B. McDonald làm việc ở Đại học Queen. Hai nhà khoa học sẽ chia khoản tiền thưởng 960.000 USD và nâng số nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý lên 199 người. Tuy nhiên, vẫn chỉ có 2 nhà khoa học nữ được trao giải thưởng danh giá này.
Nghiên cứu của 2 nhà khoa học cho thấy các hạt neutrino phát ra từ Mặt trời không biến mất trên đường đến Trái đất. Thay vào đó, chúng xuất hiện với dạng thái khác. Takaaki Kajita thực hiện thí nghiệm ở Đài quan sát neutrino Super-Kamiokande nằm dưới núi Kamioka, thành phố Hida, tỉnh Gifu, Nhật Bản trong khi nhà khoa học Arthur B. McDonald nghiên cứu tại đài quan sát Sudbury Neutrino, nằm sâu 2.100 m dưới lòng đất Sudbury, Ontario, Canada.
Bí ẩn về neutrino làm nhiều nhà vật lý đau đầu suốt hàng chục năm qua. Với tính toán cũ, hai phần ba số neutrino biến mất trên đường tới Trái đất. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy chúng thay đổi dạng thái. Nó cũng cho thấy neutrino có khối lượng.
Hàng nghìn tỷ hạt neutrino đi qua cơ thể chúng ta mỗi giây. Tuy nhiên, khó có cách nào để ngăn chặn chúng. Đây là hạt khó nắm bắt nhất trong tự nhiên. Hiện tại, nhiều thí nghiệm chuyên sâu về neutrino đang được các nhà khoa học trên khắp thế giới tiến hành. Nếu khám phá được bí ẩn của neutrino, con người có thể thay đổi hiểu biết về lịch sử, cấu trúc và tương lai của vũ trụ.
Công trình nghiên cứu về neutrino giúp hai nhà khoa học Nhật và Canada giành giải Nobel Vật lý năm nay. Ảnh: BBC |
Nhà khoa học McDonald đang trả lời điện thoại với giọng điệu ngái ngủ. Bây giờ là 4h sáng ở nơi McDonald sống. Ông bị đánh thức bởi một cuộc gọi từ Ủy ban trao giải Nobel khoảng 45 phút trước nhưng hoàn toàn không thấy phiền vì điều đó. Ông bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc của bản thân sau khi trở thành đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý 2015.
Trong năm ngoái, hai nhà khoa học người Nhật Bản và một người Mỹ cùng đoạt giải Nobel Vật Lý nhờ phát minh ra đèn LED, loại bóng giúp con người tiết kiệm năng lượng. Phát minh của Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura phù hợp với tinh thần của Alfred Nobel, nhà sáng lập giải thưởng danh giá.
Kể từ năm 1901, người ta đã trao 108 giải Nobel Vật lý. Người trẻ nhất nhận giải là Lawrence Bragg, 25 tuổi vào năm 1915 trong khi người lớn tuổi nhất được vinh danh là Raymond Davis Jr, 88 tuổi vào năm 2002. John Bardeen là nhà khoa học duy nhất 2 lần nhận giải Nobel cho công trình nghiên cứu chất bán dẫn và siêu dẫn.
Trong những ngày tới, Ủy ban trao giải Nobel sẽ lần lượt công bố giải thưởng về Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế. Hôm 5/10, 3 nhà khoa học được trao giải Nobel Y học cho các công trình nghiên cứu về ký sinh trùng. Riêng giải Nobel Hòa bình được Ủy ban Giải Nobel, do Quốc hội Na Uy lập ra, lựa chọn. Nó được trao vào ngày 10/12 tại thủ đô Oslo của Na Uy theo ngày mất của Alfred Nobel, cha đẻ giải thưởng danh giá.