Ứng cử viên số 1 cho giải Nobel Hòa bình 2015 là Thủ tướng Đức Angela Merkel với chính sách mở cửa đón người tị nạn Trung Đông. Ảnh: The Nation |
Tất cả mọi giải Nobel đều danh giá nhưng những hạng mục được giới truyền thông và dư luận chú ý nhất và gây tranh cãi nhiều nhất luôn là giải Nobel Hòa bình, Văn học và Kinh tế.
Ngày công bố giải Nobel Văn học vẫn chưa được xác định, nhưng theo truyền thống thường diễn ra vào thứ năm đầu tháng 10, do đó có thể sẽ là ngày 8/10 tới. Một ngày sau đó, cả thế giới sẽ dõi ánh mắt tới Oslo để chờ Ủy ban Nobel Na Uy công bố bình chọn giải Nobel Hòa bình. Và giải Kinh tế sẽ khép lại mùa Nobel 2015 vào ngày 12/10.
Rất có thể, cuộc khủng hoảng tị nạn đang làm rung chuyển châu Âu sẽ là chủ đề nóng của giải Nobel Hòa bình năm nay. Theo Bloomberg, các chuyên gia và nhà cái nhận định Thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong số các ứng cử viên hàng đầu của giải thưởng cao quý này nhờ chính sách mở cửa nước Đức với người tị nạn Trung Đông.
“Bà Merkel đã thể hiện phẩm chất lãnh đạo trong một tình huống đầy khó khăn, có thể nói là xấu hổ đối với châu Âu”, nhà nghiên cứu Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, khẳng định.
Ủy ban Nobel xác nhận, năm nay, 276 người được đề cử giải Hòa bình. Trên thực tế, bà Merkel cũng đã được ghi công khi thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngồi vào bàn đàm phán hồi tháng 2 để tìm một giải pháp hòa bình cho miền đông Ukraine.
Nhưng việc nước Đức chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn mới thực sự là điều khiến dư luận quốc tế phải ngả mũ trước “người đàn bà thép”. Năm nay, ước tính 1 triệu người tị nạn đến Đức và bà Merkel khẳng định Đức sẽ đủ sức chăm sóc cho họ.
Theo nhà cái Betfair Group Plc, Giáo hoàng Francis là ứng cử viên số hai sau bà Merkel vì những hoạt động chống đói nghèo. Sử gia Asle Sveen, người viết nhiều cuốn sách về giải Nobel Hòa bình, đánh giá mục sư Etritrea Mussie Zerai, người giúp đỡ người tị nạn, và Cao ủy Liên HIệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) xứng đáng chia sẻ giải thưởng. Cũng phải kể đến bác sĩ phụ khoa Congo Denis Mukwege, người chữa trị cho các nạn nhân bị tấn công tình dục.
Giải Nobel Văn học cũng rất khó dự đoán. Theo báo Wall Street Journal, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết đã nhận được 259 đề cử từ các nhà xuất bản, hội văn học và trường đại học. Các thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chọn ra 5 ứng cử viên từ hồi mùa hè.
Nhà văn nào sẽ thừa kế thành công của tác giả Pháp Patrick Modiano năm ngoái? Nhà cái Anh Ladbrokes xếp tác giả - nhà báo điều tra Belarus Svetlana Alexievich ở vị trí đầu bảng. Các tác phẩm tài liệu của bà được ca ngợi là đã mô tả lại cuộc sống và chiến tranh ở Liên Xô cũ và thời kỳ hậu Xô viết một cách chân thực và sống động.
Đứng thứ hai là cái tên đã quá quen thuộc với tất cả những người yêu văn học - Haruki Murakami. Nhà văn Nhật được dư luận và giới truyền thông đánh giá như một “ngôi sao nhạc rock” của văn học thời hiện đại, nhưng vẫn có không ít người theo phong cách cổ điển cho rằng tác giả của Rừng Na Uy, Kapka bên bờ biển và Biên kiên ký chim vặn dây cót chưa đạt đến tầm cỡ Nobel.
Bản thân Murakami cũng công khai bày tỏ sự khó chịu với việc liên tục “bị” xem là ứng cử viên Nobel hàng đầu mỗi năm. Một cái tên nổi bật khác là nhà văn Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o, người gây chấn động văn đàn thế giới năm 1964 với tác phẩm viết bằng tiếng Anh Weep not, child (Đừng khóc, bé ạ).
Cũng không nên quên Philip Roth, người được ca ngợi là tiểu thuyết gia Mỹ còn sống vĩ đại nhất, là “tiếng nói của những thập kỷ cuối cùng trong thế kỷ Mỹ”.
Danh sách các ứng cử viên của giải Nobel Kinh tế cũng rất dài. Nhóm Bản quyền sở hữu trí tuệ và khoa học (IP&S) của hãng Thompson Reuters dự báo ứng cử viên hàng đầu năm nay là giáo sư Richard Blundell thuộc Đại học London (Anh) với nghiên cứu kinh tế lượng vi mô về các thị trường lao động và hành vi tiêu dùng. Xếp sau đó là giáo sư John A. List thuộc Đại học Chicago (Mỹ) với nghiên cứu về các thí nghiệm thực địa trong kinh tế học.
Cũng phải nhắc đến giáo sư Charles F. Manski từ Đại học Northwestern (Mỹ) với phân tích kinh tế về các tương tác xã hội. Một số lĩnh vực kinh tế chưa từng được nhận giải Nobel là lịch sử kinh tế, phát triển, tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tài chính công… Một số nhà quan sát cho rằng Ủy ban Nobel có thể sẽ ưu ái những ứng cử viên đã lớn tuổi.
Năm nay, mỗi cá nhân đoạt giải Nobel sẽ nhận giải thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển, tương đương 950.000 USD.