Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Hà Nội đã tăng đến hơn 7,6 triệu nhân khẩu vào năm 2017, dự kiến lên tới 9 triệu người vào năm 2030. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ về dân số đô thị như vậy, chỉ cần đến đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 25.000-50.000 lượt hành khách/giờ cần được di chuyển chỉ trong nội đô.
Để đáp ứng được nhu cầu cầu này, Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016. Trong đó, mức độ phân tải giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng được nhắc tới: Theo đó tới năm 2030, đường sắt đô thị sẽ chiếm 30% trong tổng khối lượng đi lại của người dân đối với đô thị hạt nhân, theo sau đó là xe buýt với 25%. Với đô thị vệ tinh, con số tương ứng là 15% và 25%.
Hiện tại, hệ thống giao thông công cộng và chủ lực của thành phố là xe buýt và xe buýt nhanh (BRT) có tổng 112 tuyến, mức độ bao phủ đạt 68,5% và mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong tương lai khi dân số cũng như khi mục tiêu quy hoạch về số lượt sử dụng giao thông công cộng cùng tăng, các phương tiện giao thông công cộng cần được phát triển hơn nữa. Nếu không, Hà Nội sẽ dễ lâm vào tình trạng “không có đường mà đi”.
Phương tiện công cộng chỉ với hệ thống xe buýt là chưa đủ với Hà Nội. |
Với Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt đô thị (metro) với 9 tuyến được kỳ vọng là xương sống của giao thông vận tải thành phố, gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác. Khi hoàn thành, hệ thống metro sẽ tạo nên những trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại thủ đô.
Một hệ thống metro hoàn thiện sẽ gắn kết, giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... cũng như giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh xung quanh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Metro cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.
Với năng lực vận tải lên tới 30.000 hành khách/giờ/hướng, metro sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển số lượng lớn, tuyến xa. Do sử dụng trục đường riêng nên metro không bị ảnh hưởng bởi ùn tắc, ngập lụt (với mức ngập dưới 60 cm) hay các sự cố giao thông khác, hành khách sẽ luôn có mặt tại các điểm đến theo đúng lịch trình đã định.
Hơn nữa, tàu có không gian rộng tạo sự thư giãn cho người sử dụng. Tàu di chuyển êm với tốc độ ổn định nên hành khách có thể thoải mái thư giãn trong quãng đường đi. Hệ thống này được thiết kế thân thiện với người già, phụ nữ mang thai và người khuyết tật.
Đến năm 2022, Hà Nội sẽ có 2 tuyến metro được đưa vào vận hành. Trong ảnh là tuyến metro số 3 đang được gấp rút xây dựng. |
Còn hệ thống xe buýt bao gồm buýt nhanh BRT và các xe buýt nhỏ với ưu điểm linh động, có thể kết nối các tuyến ngắn sẽ đáp ứng nhu cầu di chuyển giữa các điểm không nằm trên tuyến đường sắt.
Hệ thống buýt được phân cấp thành 3 loại: Tuyến bus cấp 1 với năng lực chuyên chở khoảng 80 hành khách/ xe; tuyến bus cấp 2 với năng lực chuyên chở 40-60 hành khách/xe và tuyến bus cấp 3, đi vào các đường nhỏ với năng lực chuyên chở khoảng 30 hành khách/xe. Ba phân cấp xe buýt này sẽ là sự bổ sung hoàn chỉnh cho hệ thống ĐSĐT.
Với những đặc điểm riêng, hai phương tiện metro và xe buýt sẽ bổ sung cho nhau, là cặp đôi tăng sức tải đáng kể cũng như tính tiện dụng cho hệ thống vận tải công cộng của thành phố. Không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô, đường sắt đô thị còn giúp cải thiện môi trường sống xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống khi góp phần giảm bớt lượng xe cá nhân.