Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường sắt đô thị và bài toán phát triển kinh tế

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị đang là nhu cầu thiết yếu trong quy hoạch phát triển của các đô thị đông dân.

Tính đến nay, 37/40 thành phố lớn nhất trên thế giới (có trên 6,5 triệu dân) đang sử dụng hiệu quả hệ thống tàu đô thị (metro) là phương tiện đi lại chủ yếu. Nhiều thành phố nhỏ nhưng phát triển cũng đã xây dựng metro như Brescia (Italy), Rennes (Pháp), Lausanne (Thụy Sỹ). Hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đều đang có những kế hoạch xây dựng metro nhằm đáp ứng theo sự phát triển của xã hội và kinh tế thành phố, cũng như bắt kịp với những thành phố khác trên thế giới.

Metro là một hệ thống đường sắt đô thị gồm đường sắt vận tải khối lớn (MRT), đường sắt vận tải nhẹ (LRT) và đường sắt một ray (monorail). Đây là một tổng thể thiết kế tối ưu gồm tàu, đường ray, nhà ga, các khu liên hợp tích hợp xung quanh. Điều này đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn.

Tau metro anh 1
Tàu đô thị MRT ở Singapore.

Dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông công cộng nói chung, như hệ thống đường sắt đô thị, sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Hàng nghìn việc làm trực tiếp cũng như nhiều việc làm khác liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sẽ được tạo ra.

Bên cạnh đó, hệ thống metro sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại do chạy trên làn đường riêng biệt. Thời gian trung bình để di chuyển quãng đường 10 km trong nội đô nếu xe máy đi mất 35-45 phút, 60-70 phút nếu đi ôtô. Trong khi Metro sẽ chỉ mất 15-20 phút do không bị ùn tắc. Việc phát triển phương tiện này sẽ là giải pháp bền vững hạn chế ùn tắc giao thông, hạn chế các hao phí về thời gian, hao phí cơ hội trên đường đi, cũng như các phát sinh khác từ ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trên thế giới, các công ty quản lý metro thường đi theo chiến lược tập trung xây dựng, khai thác trung tâm thương mại tại vị trí các ga quy mô lớn, kinh doanh cho thuê cửa hàng và khai thác kinh doanh các điểm quảng cáo dọc tuyến. Nhờ vậy, ngoài việc đa dạng hóa nguồn doanh thu để đảm bảo mức giá vé được giữ ở mức độ phù hợp với nhiều mức thu nhập, metro còn giúp tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân và góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế dịch vụ phát triển tại khu vực. Theo Hiệp hội Vận tải công cộng Mỹ, giá trị bất động sản dọc tuyến metro trung bình tăng khoảng 42% khi tuyến đường được đưa vào hoạt động.

Bên cạnh những lợi ích giúp giải quyết vấn đề giao thông đô thị, giảm thải tác động tới môi trường, việc phát triển hệ thống metro được xem là bước đầu tư cần thiết, tiền đề để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa thành phố lớn như Hà Nội trở thành một thủ đô có quy mô tầm cỡ quốc tế.

Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm