Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vai trò của cha mẹ trong quá trình dạy trẻ quản lý cảm xúc

Nhiều nghiên cứu cho thấy kỹ năng quản lý cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ, khả năng giao tiếp, học tập cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

Sự đồng hành, dạy dỗ của cha mẹ là một trong những phương pháp quan trọng giúp trẻ rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc.

Nhận diện cảm xúc

Giai đoạn 3-8 tuổi được xem là thời gian vàng để bắt đầu dạy trẻ tìm hiểu về những cảm xúc diễn ra bên trong. Gọi tên chính xác cảm xúc đang hiện hữu là điều kiện cơ bản cũng như quan trọng nhất trước khi trẻ tiến đến việc biết cách quản lý chúng một cách linh hoạt.

Các chuyên gia khuyên rằng, những tình huống trong đời sống hàng ngày là điều kiện thuận lợi để cha mẹ dạy trẻ cách gọi tên cảm xúc. Có thể bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản như: “Mẹ thấy con cười, có phải là con đang vui lắm đúng không?”; “Hình như con đang tức giận vì con không tìm được đôi giày con thích phải không?”…

quan ly cam xuc,  cha me day con anh 1

Những tình huống trong đời sống hàng ngày là điều kiện thuận lợi để dạy trẻ cách gọi tên cảm xúc. Ảnh: ISSP.

Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách nhận diện cảm xúc bằng những biểu hiện trên cơ thể. Ví dụ mặt đỏ lên, hai tay nắm chặt, mắt trợn lên là dấu hiệu của sự tức giận; lòng bàn tay đổ mồ hôi, bụng nôn nao khó chịu là biểu hiện của sự sợ hãi, lo lắng…

Lúc cùng con xem tivi hoặc quan sát những người xung quanh, hãy đặt ra cho trẻ nhiều câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp để chắc chắn rằng, trẻ có thể gọi tên chính xác trạng thái cảm xúc của người mà trẻ đang quan sát. Việc kết hợp thêm các trò chơi như mô phỏng lại những cảm xúc đó bằng ngôn ngữ hình thể cũng là một phương pháp thú vị kích thích trí tò mò của trẻ.

quan ly cam xuc,  cha me day con anh 2

Cùng con đọc thêm sách truyện cũng giúp con nhận diện các cảm xúc phức tạp. Ảnh: ISSP.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên cha mẹ nên cùng trẻ đọc thêm nhiều sách truyện về chủ đề này, giúp con nhận diện sâu sắc hơn về các loại cảm xúc phức tạp mà bé có thể từng trải qua nhưng chưa thể nhận diện.

Sự đồng cảm là chìa khóa

Khi xuất hiện những cảm xúc mạnh mẽ bên trong, lo lắng quá mức, tức giận quá mức, thông thường trẻ sẽ chọn cách giải tỏa bằng hành động, có thể là khóc toáng lên, thậm chí có những hành vi mang tính bạo lực, quăng ném đồ đạc, đánh bạn…

Những biểu hiện trên được các nhà tâm lý giải thích là vì cảm xúc của trẻ bị dồn nén, dẫn đến việc bùng phát không kiểm soát. Như vậy, để trẻ biết cách quản lý cảm xúc, trước hết cha mẹ nên bắt đầu từ việc giúp con mạnh dạn nói ra những gì con đang cảm thấy.

Chia sẻ về chủ đề này, thầy Lester Stephens, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo và Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, một trong những yếu tố đầu tiên cha mẹ cần lưu ý là hãy tạo cho con cảm giác được đồng cảm, cha mẹ nên công nhận cảm xúc của con, thay vì nói với trẻ đừng buồn nữa, hãy chọn cách nói khác: “Mẹ có thể hiểu được vì sao con buồn, con có thể nói mẹ nghe nỗi buồn của con được không?”.

Sự đồng cảm của cha mẹ luôn tạo cho trẻ cảm giác an toàn để sẵn sàng chia sẻ mọi thứ. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cha mẹ nên thể hiện cho trẻ thấy không có cảm xúc nào là xấu, chúng ta không điều khiển được cảm xúc nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát hành động của mình. Khi trẻ có cảm giác an toàn, con sẽ tự tin nói ra những gì con đang cảm thấy. Nhờ đó, những cảm xúc mạnh mẽ bên trong cũng dần được giải tỏa và trở về trạng thái cân bằng.

Học cách cân bằng cảm xúc

Trẻ em không như người lớn, không đủ khả năng kiềm chế những cảm xúc mạnh mẽ đến bất thình lình. Trong tình huống này, cha mẹ nên cùng trẻ thảo luận trước về một số mẹo hay có thể áp dụng tức thì. Đếm số, chạy bộ, nghe nhạc, vẽ… đều là những phương pháp hiệu quả giúp trẻ lấy lại cân bằng. Điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rõ sở thích cũng như đặc điểm tính cách riêng của trẻ để chọn phương án phù hợp.

quan ly cam xuc,  cha me day con anh 3

Hãy cho trẻ theo học một bộ môn mà con yêu thích như học vẽ, học bơi và các hoạt động xã hội bổ ích. Ảnh: ISSP.

Đó là phương pháp tạm thời, về lâu dài, chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý kết hợp luyện tập thể dục thể thao sẽ rất tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ. Ngoài ra, việc cùng con tìm nguồn cảm hứng lành mạnh cũng là một phần quan trọng. Hãy cho trẻ theo học một bộ môn mà bé yêu thích, học đàn, học vẽ, học bơi và tham gia nhiều hoạt động xã hội bổ ích…

Đặc biệt, trẻ em thường có xu hướng bắt chước người lớn. Vì vậy, muốn nuôi dạy một trẻ em điềm tĩnh, biết cách cân bằng cảm xúc, trước hết cha mẹ phải là tấm gương sáng cho trẻ. Thầy Lester Stephens, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo và Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) nói thêm: “Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ không nên dạy con một mình, hãy phối hợp chặt chẽ với trường học của con để tìm kiếm sự hỗ trợ, bởi mỗi đứa trẻ là duy nhất, không có một công thức chung nào cho mọi đứa trẻ”.

Giang Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm