Hiện nay, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vải thiều có giá bán ở chợ chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Và ngay tại các nhà vườn Hải Dương, Bắc Giang đang bắt đầu vào mùa thu hoạch, mức giá bình quân cũng đang ở ngưỡng 15.000-31.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Tuy nhiên, giá vải thiều tại chợ ở các tỉnh, thành phố phía Nam cao gấp 2, 3 lần so với giá tại vườn các tỉnh phía Bắc.
Giá cao vì chi phí trung gian
Khảo sát của Zing tại một số chợ truyền thống TP.HCM như: Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bùi Văn Ba, Tân Thuận (quận 7)... giá bán vải thiều dao động ở mức cao, 45.000-60.000 đồng/kg.
Một số tiểu thương giải thích “do cước vận chuyển cao”, "vải đi máy bay" tốn nhiều chi phí. Chẳng hạn, tại một quầy hàng hoa quả trong chợ Bùi Văn Ba (Quận 7) giá vải thiều ở mức 50.000 đồng/kg.
Chủ cửa hàng cho biết đây là vải thiều "đi máy bay" nên không thể bán giá 30.000-40.000 đồng/kg. “Vải thiều được vận chuyển bằng máy bay, trái tươi khô ráo, không bị dập, hư hỏng như vải chở theo đường bộ”, tiểu thương này nói.
Mức giá bình quân vải thiều trên thị trường miền Bắc dao động ngưỡng 15.000-31.000 đồng/kg, tuỳ loại. Ảnh: Việt Linh. |
Vừa lựa mua hơn 1 kg vải thiều, chị Phương Thảo (quận 7, TP.HCM) cho biết: “Cũng muốn hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang nhưng giá khá đắt, lên đến 50.000 đồng/kg. Nếu mua ở siêu thị thì vài ngày mới có một lần và thường hết hàng sớm".
Theo chị An, một đầu mối chuyên cung cấp sỉ vải thiều Bắc Giang tại TP.HCM, Bình Dương, giá nhập sỉ vải thiều loại 1 chở bằng xe container lạnh đang ở mức 27.000 đồng/kg, nếu mua số lượng lớn giảm còn 25.000 đồng/kg.
"Vì vận chuyển vào thị trường miền Nam tốn nhiều chi phí, năm nay vấn đề thuê xe container để chở hàng cũng gặp khó khăn vì dịch nên giá bán cũng vì thế mà cao hơn", chị chia sẻ.
Tuy nhiên, chị An cho biết hiện có một số tiểu thương bán vải thiều chở bằng xe container lạnh nhưng lại nói vải thiều chở bằng máy bay để bán giá cao hơn cho người tiêu dùng.
Nên giảm hoặc miễn thuế, phí cho xe chở nông sản
Hiện, ngoài kênh mua bán là chợ truyền thống, các sàn thương mại điện tử Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso, Postmart cũng kết hợp với các siêu thị lớn như VinMart, BigC/Go, Foodmap để giúp nông dân tiêu thụ vải thiều.
Theo khảo sát, các sàn thương mại điện tử đang có mức giá bán vải thiều rẻ hơn so với các chợ truyền thống. Cụ thể, tại một số sàn như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Lazada... người tiêu dùng có thể mua vải với giá khuyến mãi từ 25.000 đồng/kg (đã bao gồm phí vận chuyển).
Tuy nhiên, để mua được giá khuyến mãi này, người mua phải chấp nhận một số điều kiện đi kèm, như phải đặt với số lượng lớn cho mỗi đơn hàng, thường là 5-20 kg.
Vải thiều trên các sàn thương mại điện tử rẻ hơn so với chợ truyền thống nhưng chi phí vận chuyển cao. |
Nếu mua số lượng ít cộng phí vận chuyển thì tổng giá mua vải thiều trên các sàn thương mại điện tử ở TP.HCM dao động 40.000-80.000 đồng/kg, không rẻ hơn nhiều so với giá bán lẻ tại các chợ truyền thống.
Theo thống kê, hiện nay thị trường tiêu thụ vải thiều xuất khẩu chỉ chiếm 36%, trong nước chiếm khoảng 63% sản lượng, chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam), 1% là qua thương mại điện tử và một số kênh khác.
Trao đổi với Zing, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết trong thời điểm dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang đang cần được thúc đẩy tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.
"Người dân TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang có nhu cầu rất cao đối với quả vải thiều. Do đó để tăng cường các biện pháp tiêu thụ nội địa, giúp vải thiều vào Nam có giá tốt cần có các chính sách như giảm hoặc miễn các chi phí đường bộ cho các đơn vị vận chuyển nông sản, tăng cường phương tiện máy bay, tàu hoả chở nông sản từ Bắc vào Nam tiêu thụ", ông nói.
Mới đây ngày 9/6, Bộ NNPTNT cũng đã có văn bản gửi các bộ: Công an, GTVT, Tài chính, Công thương, Ngoại giao, Y tế đề nghị nghiên cứu, xem xét áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, phối hợp Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải để giảm chi phí lưu thông hàng hóa…