Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc.
Đặc biệt, có một điểm cầu tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, 4 điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc.
Tham dự hội nghị, ông Đậu Tích Lâm, Tuần thị viên cấp hai, Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết sau khi bùng phát dịch Covid-19, hai nước đã làm tốt công tác tối ưu hoá quá trình thông quan.
Theo ông, các loại nông sản như vải thiều là hàng hoá quan trọng trong thương mại giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 196,2 tỷ nhân dân tệ.
Xe chở vải thiều xuất khẩu đề nghị được đi luồng ưu tiên. Ảnh: Việt Linh. |
"Trong mùa cao điểm giao dịch nông sản của Việt Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) sắp tới, chúng tôi đề nghị Việt Nam đẩy nhanh tiến độ, mở rộng giao thương tại cửa khẩu. Thực hiện thời gian thông quan cố định, tối ưu hoá quy trình thông quan của xe hàng, tăng thêm số lượng tài xế để nâng cao hiệu suất thông quan của xe hàng", ông Lâm đề xuất.
Ông Hồ Toả Cẩm, Tham tán công sứ kinh tế - thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng đánh giá cao chất lượng vải thiều của Việt Nam. "Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện để quả vải được thông quan, tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh", ông Hồ Toả Cẩm khẳng định.
Ngoài ra, ông mong muốn cơ quan hải quan 2 nước tiếp tục kết nối và có những điều tiết phù hợp để vải thiều được thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Các thương nhân, doanh nghiệp của Việt Nam cần đảm bảo về mặt chất lượng quả vải, bao bì đóng gói, bảo quản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc khi giao hàng ở cửa khẩu.
Để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Đại sứ quán, Tham tán công sứ, các cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang.
Khoảng 50.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ. Ảnh: Việt Linh. |
"Đồng thời, tạo điều kiện cho các thương nhân, thương hội hoa quả là bạn hàng truyền thống chưa có điều kiện sang Bắc Giang thực hiện phương thức giao nhận hàng linh hoạt, tiêu thụ vải thiều thông qua các kênh trực tuyến", ông chia sẻ.
Ngoài ra, phía Trung Quốc cần bố trí thêm kho, bãi tập kết vải thiều, giải quyết thủ tục hành chính, làm thêm giờ để tăng thời gian thông quan, ưu tiên thông quan, phân luồng riêng cho các xe chở vải thiều khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Hiện, tỉnh Bắc Giang đã lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu.
Tính đến 6/6, sản lượng vải tiêu thụ đạt khoảng 50.000 tấn, gồm 33.600 tấn trong nước và xuất khẩu khoảng 16.400 tấn tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Giá bán một kg vải thiều dao động 12.000-32.000 đồng.