Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vải thiều chuẩn Mỹ cũng chỉ bán cho Trung Quốc

Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trồng hơn 60 ha vải thiều đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ. Song, đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới chỉ đến xem, chưa ai hứa đặt mua.

Tiêu chuẩn ngặt nghèo

Về thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) vào thời điểm này thấy nông dân  ai cũng rất hào hứng. Nhà nhà cẩn thận chăm sóc những cây vải từng ly từng tí, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang Mỹ, một thị trường được coi là khó tính nhưng đầy tiềm năng cho trái cây Việt Nam.

Ông Giáp Văn Thành, Tổ trưởng phụ trách chương trình sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ của thôn Kép 1, cho biết, toàn thôn có hơn 60 ha vải thiều trồng theo đúng tiêu chuẩn Global GAP để xuất đi Mỹ. Ông đưa chúng tôi xem quyển sổ ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc cây vải và danh sách những hộ dân có vườn vải đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vải thiều sang Mỹ.

Ông Thành cho biết, phía Mỹ đưa ra những tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Đơn cử, có 5 hoạt chất tuyệt đối cấm không được phun lên cây vải.

Vải thiều Bắc Giang.

Vải thiều Bắc Giang.

“Còn chuyện bọc vải trong túi nilon 21 ngày trước khi thu hoạch khiến dân hoang mang lắm, nhất quyết không chịu, vì làm theo quả vải có thể bị rụng hết. Họ chỉ đồng ý làm thí điểm ở một vài cây xem kết quả thế nào”.

Ông Thành giải thích, những loại quả như bưởi, ổi, táo,... có thể bọc nilon mà quả vẫn sinh trưởng, phát triển. Nhưng quả vải, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, chỉ cần trùm bạt lên cây là quả đã rụng hết.

Khi đề cập đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm, ông Thành lo lắng: “Mặc dù nói nhiều nhưng chính thức việc thu mua chúng tôi cũng chưa biết ra sao. Hôm trước, tôi đi dự hội thảo, thấy có một doanh nghiệp về tham gia. Nhưng anh này về muộn, gần cuối buổi mới thấy, và cũng chỉ nói sẽ xem xét để ký kết tiêu thụ vải thiều. Chỉ mới là hứa thôi”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Lưu, người có vườn vải 200 gốc, cũng băn khoăn liệu năm nay vải có đi được Mỹ hay lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đến nay, cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng mới chỉ đến thăm, gật gù vì thấy người dân chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn để xuất đi Mỹ, nhưng cũng chưa thấy ai hứa lo đầu ra cho quả vải cả.

Vì sao trái cây đặc sản mãi bấp bênh?

Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng.

Giấc mơ Mỹ không thành, lại bán cho Trung Quốc

Đây mới là năm Lục Ngạn làm thí điểm, lấy quả vải sạch đi chào hàng thị trường.

Ông Thành bảo, có nghe nói năm nay thương lái Trung Quốc sang đặt mua gấp đôi số lượng thùng xốp tại các cơ sở ở địa phương. Như vậy chắc chắn nhu cầu vải thiều của họ cũng tăng gấp đôi. Tuy nhiên, ông chia sẻ, người dân vẫn muốn tìm kiếm thị trường khác ổn định hơn.

 Nhiều người nông dân kỳ vọng vải thiều năm nay sẽ được xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp đến đặt mua mặc dù chỉ tháng rưỡi nữa là vải sẽ cho thu hoạch.

Nhiều người nông dân kỳ vọng vải thiều năm nay sẽ được xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp đến đặt mua mặc dù chỉ tháng rưỡi nữa là vải sẽ cho thu hoạch.

Bởi, thương lái Trung Quốc thường chọn mua hàng loại một, giá cao, nhưng không ổn định. Chẳng hạn, buổi sáng thấy giá cao, người dân lập tức điện thoại bảo người nhà bẻ vải chiều mang ra bán tiếp. Thương lái thấy nhiều lại trả giá thấp và ngược lại. Họ dựa theo khối lượng vải để điều chỉnh giá thu mua trong ngày. Đặc biệt, khi cân vải họ trừ hao nhiều, mỗi tạ phải mất tới 5 kg, với lý do để loại bỏ quả xấu. Sau đó, quả xấu bị loại ra họ lại xin luôn.

“Đó chính là lý do người dân muốn kiếm thêm nhiều thị trường. Chúng tôi cố gắng sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Mỹ. Nếu không bán được đành phải tiếp tục bán cho phía Trung Quốc”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Xây, thôn Hiệp Tân (xã Hồng Giang), hộ có vải xuất đi thị trường Nhật Bản năm 2014, cũng cho hay, thị trường khác mua giá ổn định hơn. Năm ngoái, lúc quả vải bắt đầu chín, có doanh nghiệp về thôn này đi thăm và chọn được vài vườn, thu mua hơn 10 tấn xuất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, giá họ trả cũng chỉ bằng giá bán cao nhất của ngày hôm đó mà thương lái Trung Quốc trả.

Vậy nhưng năm nay, bà Xây vẫn thích bán vải cho doanh nghiệp để xuất đi Nhật. Bà lý giải, phái thu mua chỉ yêu cầu mình cắt ngắn cuống vải còn độ 5 cm rồi cho vào thùng, cân trực tiếp luôn tại vườn, không trừ hao. Người dân đỡ phải vất vả chở vải ra chợ. Còn bán cho Trung Quốc, họ trừ đầu trừ đuôi rất nhiều, lại mất công vận chuyển.

“Sản xuất vải bán sang Nhật cũng phải cẩn thận, vất vả hơn nhưng vẫn thích. Bao năm nay, cây vải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà giá cả không năm nào ổn định, được mùa thì mất giá”, bà Xây chia sẻ.

Theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm 2014, sản lượng vải thiều của Lục Ngạn đạt 130.000 tấn, giá trị trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn vải thiều vẫn được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Dự kiến sản lượng vải Lục Ngạn năm nay không thua kém năm ngoái. Riêng nhà ông Thành, với 400 gốc, gia đình ông sẽ thu được 20 tấn vải. Nếu xuất khẩu được đi Mỹ giá 30.000-40.000 đồng/kg, sau trừ hết chi phí, tiền lãi thu được phải trên nửa tỷ đồng.

Ông Phan Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết năm nay UBND tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường Mỹ. Tỉnh đã phối hợp với một đơn vị đảm nhiệm công tác xúc tiến thương mại, mời các đối tác Mỹ sang thăm, đánh giá và xác lập vùng vải thiều.

Dự kiến, vụ vải thiều năm nay sẽ đưa sang Mỹ 4 mẫu để họ kiểm định, chào hàng. Đồng thời, để chỉ đạo sát sao vấn đề này, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang Mỹ. Mỗi tháng Ban chỉ đạo họp một lần để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh.

Nông dân tỷ phú ở đất vải thiều

Lục Ngạn (Bắc Giang) là vùng đất nổi tiếng với cây vải thiều truyền thống, nay đang được nhiều người biết đến là "tập đoàn cây ăn quả" với nhiều loại cây đặc sản, có thương hiệu.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/236461/vai-thieu-chuan-my-cung-chi-ban-cho-trung-quoc.html

Theo Bảo Hân/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm