Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vải thiều đi Mỹ: Cơ hội đổi đời

Năm 2014, Mỹ chính thức đồng ý cho quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường nước này, mở ra cơ hội mới cho người trồng vải.

Người dân hào hứng

Thời điểm này, người dân ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) rất hào hứng và đang cố gắng chăm sóc cây vải thiều, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ - vốn được coi là thị trường tiềm năng bậc nhất cho nông sản Việt hiện nay.

Theo yêu cầu của phía Mỹ, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn từ 300 hộ trong xã, để lấy 109 hộ tham gia vào vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, với diện tích khoảng hơn 60 ha.

Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Kép 1, xã Hồng Giang cho biết: “Nhà tôi có 200 gốc vải thiều được chọn tham gia chương trình xuất khẩu sang Mỹ. Tôi nhận thấy, quy trình chăm sóc vải thiều đi Mỹ ngặt nghèo hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi chấp nhận. Bởi có như thế mới làm tăng giá trị của quả vải thiều, tăng thu nhập cho người trồng vải”.

“Chắc chắn chúng ta phải xuất khẩu được vải thiều vào Mỹ trong năm nay, để tạo điều kiện cho những năm sau. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành sản xuất vải thiều của tỉnh Bắc Giang”.

Phó giám đốc Vũ Đình Phượng

Theo người dân ở đây, một số quy trình do phía Mỹ đưa ra khác hẳn với quy trình chăm sóc trước đây. Đáng chú ý là việc phía Mỹ đưa ra yêu cầu cấm sử dụng 5 loại hóa chất trong quá trình chăm sóc vải thiều. Tuy nhiên, đây lại là 5 loại thuốc bảo vệ thực vật mà người dân đang sử dụng thường xuyên trong thời gian qua.

Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Đây là cơ hội lớn cho người dân Lục Ngạn chúng tôi. Do đó chúng tôi đã tập trung tăng cường chỉ đạo sản xuất vải thiều chất lượng cao, để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Hiện, chúng tôi đã yêu cầu các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, các hộ dân nằm trong vùng dự án ký cam kết không mua, bán, sử dụng 5 mẫu thuốc bảo vệ thực vật mà phía Mỹ cấm”.

Cần sớm có hỗ trợ từ  nhà nước

Vải thiều đông lạnh của Lục Ngạn trong những năm vừa qua đã xâm nhập được vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, thậm chí cả Mỹ. Ngay từ đầu năm nay, một số công ty cũng đã ký kết được các đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường này, với số lượng khoảng 5.000 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu vải thiều tươi lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Tiêu chuẩn để xuất khẩu vải thiều vào Mỹ cực kỳ nghiêm ngặt, đòi hỏi từ khâu chăm sóc cây vải.

Tiêu chuẩn để xuất khẩu vải thiều vào Mỹ cực kỳ nghiêm ngặt, đòi hỏi từ khâu chăm sóc cây vải.

Ông Phan Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm nay, UBND tỉnh Bắc Giang đặc biệt chú trọng đến việc xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường Mỹ. Tỉnh đã phối hợp với một đơn vị đảm nhiệm công tác xúc tiến thương mại, mời các đối tác Mỹ sang thăm, đánh giá và xác lập vùng vải thiều.

Dự kiến vụ vải thiều năm nay sẽ đưa sang khoảng 4 mẫu, để phía Mỹ kiểm định, chào hàng. Đồng thời, để chỉ đạo sát sao vấn đề này, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang Mỹ. Mỗi tháng Ban chỉ đạo họp một lần, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh.

Theo ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Mỹ cực kỳ nghiêm ngặt. Ở bất kỳ công đoạn nào, phía Mỹ cũng trực tiếp kiểm định, đánh giá và cho phép mới được triển khai. Trong khâu sản xuất phải bảo đảm tất cả các vườn vải thiều được phía Mỹ cấp mã vùng, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, có thể là VietGAP hoặc GlobalGAP.

Đối với vải thiều Lục Ngạn, phía Mỹ đã cấp 6 mã vùng nguyên liệu. Các mã này được Mỹ đưa vào mã toàn cầu, cũng là một điều kiện thuận lợi cho vải thiều Việt Nam khi tham gia vào sân chơi quốc tế. Mỹ yêu cầu cấm sử dụng 5 dòng thuốc bảo vệ. Do đó, các cơ quan chức năng của Bắc Giang phải tìm các loại thuốc thay thế. Hiện phía Mỹ đã đồng ý với các loại thuốc mà Việt Nam thay.

Ngoài ra, phía Mỹ yêu cầu tất cả các lô vải thiều khi xuất khẩu sang Mỹ phải được chiếu xạ, nên bắt buộc phải đưa vải thiều vào các tỉnh phía Nam để thực hiện công đoạn này, khiến cho chi phí tăng cao. Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, là việc áp dụng công nghệ nào để bảo quản vải thiều trong quá trình vận chuyển đến Mỹ?

Tháng 3/2015,  Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Bắc Giang triển khai công nghệ mới theo tiêu chuẩn của Israel đã được phía Mỹ đồng ý.

“Để tiến hành công nghệ mới trên địa bàn Bắc Giang phải mất chừng tháng rưỡi, hai tháng. Nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh và nhà nước về vấn đề kinh phí thì rất khó khăn”, ông Kiên nói.

Úc chính thức cấp phép cho vải thiều tươi Việt Nam

Ngày 17/4, Bộ Nông nghiệp Úc có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, về việc chính thức cấp phép nhập khẩu quả vải tươi từ Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày 18/4/2015, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể chính thức xin giấy phép nhập khẩu với cơ quan Kiểm dịch thực vật của Úc, để ký kết các hợp đồng thương mại.

Theo quy định của Úc, để xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam vào thị trường Úc phải đảm bảo 5 yêu cầu: Vùng trồng, cơ sở đóng gói, bao bì nhãn mác, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch.

Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong tháng 5/2015, đơn vị sẽ phối hợp với một số vùng vải chín sớm tại phía Bắc thu hoạch “đón đầu” một số lượng vải nhất định.

Trần Hoàng

Trái vải tươi có thêm thị trường Úc

Úc chính thức mở cửa cho trái vải của Việt Nam vào thị trường nước này. Như vậy sau Mỹ, đây là thị trường khó tính thứ hai chấp nhận nhập khẩu trái vải tươi.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/vai-thieu-di-my-co-hoi-doi-doi-852964.tpo

Theo Nguyễn Trường/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm