Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khẩn cấp giải cứu nông sản Việt

Xuất khẩu tắc đầu ra, trong lúc thị trường nội địa vào vụ thu hoạch với nhiều mặt hàng, dẫn tới ùn ứ. Đâu là giải pháp có thể khai thông, giải cứu được hàng hóa XK của Việt Nam.

 

Dù kim ngạch xuất khẩu (XK) nông-lâm-thủy sản trong 4 tháng đầu năm đạt 9,13 tỷ USD, nhưng hàng loạt mặt hàng XK được coi là thế mạnh của Việt Nam đều đang có chiều hướng giảm mạnh. Cụ thể, gạo XK giảm 9,2% về giá trị, cà phê giảm 39,3% về giá trị và giảm tới 41% về khối lượng, hạt tiêu giảm 25% về khối lượng. Mặt hàng thủy sản XK cũng giảm 16,6%, trong đó chỉ riêng mặt hàng tôm giảm tới 23% trong quý I/2015.

    Bất lợi về tỷ giá cùng những khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất cao, đầu ra thu hẹp khiến hầu hết các hiệp hội ngành hàng nông, lâm, thuỷ sản vốn là thế mạnh chủ lực trong XK của Việt Nam cùng “kêu” Bộ Công Thương, để kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.

    Sau công cuộc giải cứu dưa hấu, hành tím, vấn đề “đầu ra” cho nông sản hàng hoá đã được Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đặt lên bàn nghị sự trong một hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK nhóm hàng nông thuỷ sản”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5/2015.

     

    Họ điều chỉnh tỷ giá, mình không điều chỉnh là thua

    Dư luận mới chỉ nhìn thấy một số mặt hàng nông sản XK trong nước bị ùn ứ, nhưng tại hội nghị, Bộ Công Thương đưa ra con số toàn cảnh về thị trường XK 4 tháng đầu năm không lấy gì làm sáng sủa. Đó là trong tổng số 50,1 tỷ USD kim ngạch XK cả nước 4 tháng đầu năm, riêng nhóm hàng nông thuỷ sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so cùng kỳ. Trong đó, thuỷ sản giảm mạnh nhất với mức giảm 15%, lâm sản giảm 6,6% và nông sản giảm 5,1%.

    Điều đáng nói là do nhiều khó khăn liên quan đến thị trường, và đặc biệt là biến động của tỷ giá VND/USD đã khiến hàng nông sản của chúng ta sụt giảm mạnh trên hầu hết các thị trường chính. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) Nguyễn Hoài Nam lo ngại: Hai mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra vào thị trường Hoa Kỳ đều bị cạnh tranh mạnh bởi các đối thủ đến từ Thái Lan, Ấn Độ... Do các nước này khôi phục lại sản xuất và tăng nhanh nguồn cung.

    Cứ đến mỗi vụ vải thiều, nông dân lại vật lộn với bài toán tiêu thụ sản phẩm.
    Cứ đến mỗi vụ vải thiều, nông dân lại vật lộn với bài toán tiêu thụ sản phẩm.

     

    Thêm vào đó, cả tôm và cá tra Việt Nam đều gặp bất lợi, khi bị Hoa Kỳ áp đặt mức thuế chống bán phá giá cao hơn hẳn các lần trước. Ngoài ra, cho đến nay, trên 90% các hợp đồng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đều sử dụng đồng USD trong thanh toán. Song tỷ giá đồng tiền này đang tăng mạnh so với Euro hay đồng Yên Nhật, nên XK của Việt Nam bị các nhà nhập khẩu liên tục ép phải giảm giá, trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.

    Ông Nam cho biết thêm, hiện diện tích nuôi tôm đang sụt giảm, báo hiệu sự sụt giảm sản lượng XK từ quý III/2015 trở đi, nhưng nhiều hộ nuôi tôm đã “sức cùng lực kiệt”. Việc cạnh tranh với Ấn Độ đã cho thấy là DN Việt đang chới với. Trong khi đó, các DN thì không đủ lực để nuôi nguồn nguyên liệu, tiếp sức cho hộ nuôi, liên kết chuỗi đang trở nên lỏng lẻo.

    Một trong những kiến nghị được ông Nam đưa ra là để cứu DN XK trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” này,  đề nghị Ngân hàng nhà nước nghiên cứu giảm lãi suất thấp hơn mức 7,5% hiện nay. Bởi các nước cạnh tranh họ đã điều chỉnh, mình giữ nguyên là thua. 

    Đồng tình với đề suất này, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Việt Nam Nguyễn Viết Vinh khẳng định: “Trong bối cảnh thị trường càp hê thiếu hụt nguồn cung nhưng giá vẫn rớt, điều chỉnh tỷ giá là cứu cánh cho cà phê. Hiện Brazil, nước XK càphê lớn nhất thế giới, đã hạ tỷ giá xuống để cạnh tranh, Indonesia cũng vậy, còn Việt Nam vẫn “neo” tỷ giá là rất bất lợi cho DN”.

    “Mở thị trường cho chúng tôi”

    Vấn đề đầu ra cho nông sản luôn là tâm điểm làm nóng các diễn đàn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 3 hội nghị bàn giải pháp giải cứu nông sản, tạo liên kết chuỗi giữa sản xuất và thị trường.

    Mặc dù thừa nhận khâu yếu nhất trong chuỗi cung ứng nông sản hàng hoá là sản xuất không theo tín hiệu thị trường, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cũng cho rằng, hệ thống các tham tán thương mại tại các quốc gia mà Bộ Công Thương tổ chức vẫn chưa làm tốt vai trò về mở thị trường XK. Ông Chu Sơn Ái - GĐ một DN chè XK, thành viên Hiệp hội chè Việt Nam, cho rằng, khó nhất vẫn là mở thị trường. Làm sao để minh bạch thông tin về thị trường, chứ DN chúng tôi không có đầu mối tiêu thụ, không biết bán cho ai thì được giá?

    Liên quan đến việc mở thị trường cho rau quả Việt Nam xuất khẩu, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả VN, chỉ ra: Cách làm thị trường của chúng ta lâu nay chưa ổn. Chỉ nói như thị trường Nga, ai cũng thấy tiềm năng, nhưng bảo xúc tiến thương mại vào Nga thì năm có, năm không, thấy ách tắc lại ngừng.

    Để mở một thị trường phải có cả quá trình, không thể giật cục như vậy. Hay như XK dưa hấu sang Trung Quốc, Hiệp hội rau quả Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ đàm phán với phía Trung Quốc. Trong mùa vụ thu hoạch rộ nên mở thêm các cửa khẩu để thông quan hàng hoá, thay vì chỉ thông quan qua 1 cửa khẩu như hiện nay. Hoặc bàn việc giảm chi phí vận tải, để giảm giá thành nông sản... 

    Ông Nguyễn Thế Năng, TGĐ tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết: XK gạo nếu chỉ trông vào những thị trường truyền thống thì... những thị trường đó đã bão hoà. Giải pháp lâu dài cho hạt gạo Việt Nam vẫn là cơ cấu giống, tổ chức lại sản xuất và dịch vụ hậu cầu, đa dạng hoá thị trường.

    Xem ra để thúc đẩy tăng trưởng XK, cơ quan quản lý và DN còn nhiều việc cần làm.

    Theo Bộ Công Thương, XK thuỷ sản trong quý I của hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Thị trường Hoa Kỳ đạt 260 triệu USD, giảm 33,8%; Nhật Bản đạt 192,7 triệu USD, giảm 15,1%; thị trường Hàn Quốc đạt 118,8 triệu USD, giảm 5,2%; thị trường Australia đạt 36,5 triệu USD, giảm 31,3%; EU giảm khoảng 11%. XK gạo sang Philippines cũng giảm 41%, Trung Quốc giảm 45% , Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 41,2%.

    http://laodong.com.vn/kinh-te/khan-cap-giai-cuu-nong-san-viet-322240.bld

    Theo Hồng Quân/Lao Động

    Bạn có thể quan tâm