Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông dân tỷ phú ở đất vải thiều

Lục Ngạn (Bắc Giang) là vùng đất nổi tiếng với cây vải thiều truyền thống, nay đang được nhiều người biết đến là "tập đoàn cây ăn quả" với nhiều loại cây đặc sản, có thương hiệu.

Dám nghĩ, dám làm

Đặt chân đến xã Quý Sơn, trước mắt chúng tôi một vùng quê giống như một khu du lịch sinh thái rộng lớn. Từng ngọn đồi thoai thoải với bạt ngàn cây ăn quả đủ chủng loại, sắc mầu. Lấp ló nơi lưng chừng núi là những ngôi nhà cao hai, ba tầng được sơn hồng, vàng rực rỡ.

Ngôi nhà ba tầng của anh Nguyễn Văn Chính (sinh năm 1968) nổi bật giữa trang trại đang mùa cam chín. Ít ai hình dung nơi này trước đây chỉ là đồi hoang, thưa thớt bóng người. Anh Chính nhớ lại, năm 1995, khi vợ chồng anh quyết định đổi đất lúa để lấy đất ở cái đồi hoang vu này, có nhiều người đã khuyên can, cho rằng bỏ đất ruộng sang đất đồi thì lấy thóc gạo đâu mà ăn. Anh lại nghĩ khác, trồng hay thâm canh cây gì cũng cần phải tập trung vào một mối, còn rải mành mành thì hiệu quả sẽ không cao, nên quyết tâm đầu tư trồng cây vải thiều.

Thuê người cày cuốc, chăm bón, và cùng nai lưng ra làm lụng, gia đình anh phải sống cuộc sống hết sức vất vả trong suốt ba năm. Bước sang năm thứ tư, thật không ngờ, số tiền thu được từ vụ mùa vải đủ mua hơn chục tấn thóc, lúc này anh mới thấy tin tưởng về sự đầu tư của mình là đúng đắn. 

Trao đổi kinh nghiệm tìm phương pháp làm giàu hiệu quả.
Trao đổi kinh nghiệm tìm phương pháp làm giàu hiệu quả.

Nhiều người dân thấy gia đình anh Chính ngày một khấm khá nhờ trồng cây vải thiều đã kéo đến học tập kinh nghiệm. Song chính họ đã khá bất ngờ lẫn xót xa khi thấy vợ chồng anh chặt bỏ cây vải thiều để chuyển đổi sang trồng cây cam Đường và cam Canh vào năm 2007. Anh chia vườn ra làm đôi, phá một nửa, giữ lại một nửa lứa vải thiều đang độ ra hoa. Năm sau anh chuyển đổi số diện tích đất còn lại, và nhờ trồng bằng cây đã gieo ươm nên chỉ sau hai năm lứa cam đã cho quả. Vượt ngoài mong đợi, năm đầu thu hoạch cam đã giúp gia đình anh đủ hòa mức chi phí đầu tư.

Nhìn lại, anh Chính nói, bí quyết chính là sự quyết tâm và dứt khoát trong chuyển đổi cây trồng. Cùng một diện tích đất trồng nhưng cây có múi như cam, bưởi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều đặc biệt, cam Canh, bưởi Diễn... mang về Lục Ngạn trồng, quả ăn rất ngọt không khác gì hương vị trồng trên đất gốc của sản phẩm này. Vì thế, các loại quả này có giá mua tại vườn rất cao, thậm chí có thời điểm cao hơn giá cam Vinh mua từ Nghệ An.

Giá thu mua tại vườn từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg (tùy theo loại cam), đã giúp gia đình anh Chính trở nên khá giả. Ba năm trở lại đây, năm nào gia đình anh cũng trúng mùa cam, cho thu nhập 1,8 tỷ đồng/năm. "Bất ngờ nhất là năm 2011, bán xong vụ cam, gia đình tôi thu về gần hai tỷ đồng, tôi mừng đến phát khóc. Tôi nghĩ phải mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đi tìm những cây giống mới, cho thu hoạch dài ngày hơn, hiệu quả kinh tế hơn mới hy vọng làm giàu. Bởi đã có hàng nghìn hộ dân lúc ấy cùng trồng cây vải thiều, có thời điểm được mùa, nhưng người dân mất vui do giá vải bị rớt thảm hại", anh Chính giải thích.

Một tỷ phú nông dân khác ở Quý Sơn được nhiều người nể phục là anh Nguyễn Văn Báo (sinh năm 1966). Năm 19 tuổi, anh đi bộ đội, dù không được học hành đến nơi đến chốn, song với những nỗ lực rèn luyện trong quân ngũ anh đã được đơn vị kết nạp vào Đảng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh được địa phương tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Thư ký đội, Bí thư chi bộ thôn. Từ đây, anh nông dân Nguyễn Văn Báo nghĩ đến một đường hướng làm giàu, bắt đầu từ việc tận dụng lợi thế là gia đình có vườn đồi và ao hồ.

Anh xây dựng mô hình vừa trồng cây ăn quả với 1,5 ha trồng đa dạng các loại cây: vải thiều, hồng, nhãn, na, vừa chăn nuôi với 300 m 2 chuồng trại nuôi lợn thịt, kết hợp kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi. Cùng lúc triển khai nhiều mô hình, thời gian đầu anh luôn sống trong tâm trạng lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, bởi đã vay vốn hàng trăm triệu đồng mà chưa biết ăn hay thua. Song những năm tháng cùng với nhân công vừa cuốc cỏ, vừa thái rau chăn lợn, đầu tắt mặt tối dần hé sáng khi sang năm thứ hai anh Báo đã có lãi từ chăn nuôi lợn.

Để đầu ra sản phẩm có hiệu quả, anh Báo không chỉ trông chờ vào các thương lái tìm đến mình mà bản thân tự tìm kiếm bạn hàng. Dần dà khách hàng của anh không chỉ trong nội tỉnh Bắc Giang, mà vươn tới Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhờ vậy, có thời điểm lợn thịt và các loại hoa quả tới tuổi cho thu hoạch đã không đủ cung cấp cho thị trường.

Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng được từ 100 đến 120 tấn, thu từ 20 đến 25 tấn quả, cá đạt sản lượng 20 tấn, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Chưa dừng lại do nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm ngoái anh Báo nhận thầu 4 ha hồ để tiếp tục đầu tư và xây dựng trang trại "Ba cây (vải, gấc, táo) ba con (lợn, cá, giun)". Đa dạng cách làm ăn, cùng với sự kiên trì, luôn lấy chữ tín làm trọng, anh Báo coi là những bí quyết giúp mình thành công. Chẳng hạn như, trong chăn nuôi anh luôn chỉ đạo nhân công bảo đảm độ sạch để cho sản phẩm thịt thơm và hàm lượng dinh dưỡng cao. Nuôi cá anh không chỉ chọn giống tốt mà luôn đợi mỗi con đạt chừng 3 kg mới xuất bán, nên việc tiêu thụ thuận lợi và được giá.

Ăn nên làm ra, anh Báo cũng như nhiều tỷ phú ở Quý Sơn thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm giúp nhiều hộ nông dân còn nghèo chăn nuôi cho năng suất cao và trồng cây mới hiệu quả. "Ngoài tạo công ăn việc làm cho sáu lao động thường xuyên với mức lương hơn 2,5 triệu đồng/tháng, cộng chi phí sinh hoạt hằng ngày và 20 lao động thời vụ mức lương ba triệu đồng/tháng, nhiều năm nay anh Báo còn hỗ trợ các hộ nông dân thoát nghèo bằng cách giúp họ vay vốn với số vốn gần ba tỷ đồng.

Tính ra mỗi năm anh Báo đầu tư cho các hộ dân số lượng cám chăn nuôi 500 tấn, phân bón các loại 400 đến 500 tấn, giúp các hộ ứng trước để chăn nuôi và trồng trọt, đến mùa thu hoạch mới phải trả lại gia đình anh", anh Vi Văn Kỷ, cán bộ Hội Nông dân xã Quý Sơn cho biết. Giúp nhau làm kinh tế, những nông dân thành đạt ở Quý Sơn thường trao đổi với các hộ dân rằng, mỗi nhà nên phát triển một mô hình, bởi nếu cả làng cùng đổ xô trồng một loại cây rất dễ thất bại.

Nhà nông tính chuyện đầu tư lớn

Lục Ngạn nổi tiếng với cây vải thiều truyền thống, bởi vậy việc mạnh dạn thay thế bằng một cây trồng nhập từ địa phương khác là cả một bài toán cơm - áo - gạo - tiền, bên cạnh việc phải vượt lên "dư luận" của người làm trang trại. Như trường hợp anh Nguyễn Duy Tuấn ở xã Thanh Hải thành công nhờ sự táo bạo chuyển đổi cây trồng. Năm ha trồng cam Canh và bưởi Diễn đã cho gia đình anh thu nhập hơn một tỷ đồng/năm từ năm 2012 đến nay. Hay anh Bùi Đức Long, năm nay 40 tuổi, trở thành tỷ phú nhờ phát triển cây cam Canh đầu tiên ở xã Hồng Giang. 

Anh Nguyễn Duy Tuấn và vợ vui mừng trước mùa cam thắng lợi.
Anh Nguyễn Duy Tuấn và vợ vui mừng trước mùa cam thắng lợi.

"Ở Lục Ngạn hiện có 12 hộ nông dân thu nhập hơn một tỷ đồng/năm. Riêng mô hình trang trại cây ăn quả cho thu nhập từ hơn 100 triệu đồng/năm, toàn huyện Lục Ngạn có gần 5.000 hộ. Ngoài thiên nhiên ưu đãi, thì điều làm nên một vùng đất có nhiều nông dân triệu phú và tỷ phú này chính là nhờ vào sự nhạy bén của mỗi hộ trong lựa chọn một mô hình kinh tế trang trại phù hợp, họ dám nghĩ, dám làm và biết khai thác lợi thế của địa phương, cũng như thế mạnh của gia đình để làm giàu một cách chính đáng", ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn nói.

Cũng theo ông Báo, huyện Lục Ngạn đã xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, có sức cạnh tranh cao. Trước đó, vào năm 2010, một mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ đã được xây dựng ở nhiều trang trại hộ gia đình, và đến nay được đánh giá là thành công.

Tiếp đó, mô hình trồng táo Đài Loan giống mới, cam V2 lần lượt được ngành nông nghiệp huyện thí điểm trồng nay được nhân rộng ở nhiều địa phương. Nhiều nơi đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, tập trung những cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Canh, cam Vinh, cam Đường. Chính từ những chương trình trên đã có không ít nông dân nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường để đầu tư làm trang trại, giúp họ sớm trở thành tỷ phú.

Phát triển kinh tế trang trại theo mô hình đa dạng cây ăn quả cho thu nhập đều quanh năm cũng là chủ trương của chính quyền huyện Lục Ngạn mà các địa phương khác cần tham khảo, học hỏi. Đó là những cách làm mới, tạo cơ hội làm giàu từ chính những vùng quê trù phú.

 

 

 

Những nông dân vàng miền Tây: Chuyện về 'cha đẻ' bưởi hồ lô

Giá trị một quả bưởi bình thường đã tăng gấp chục lần từ ý tưởng nặn thành hình hồ lô bán trong dịp Tết của nông dân Võ Trung Thành ở Hậu Giang.

 

http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/25291602-nong-dan-ty-phu.html

Theo Hoàng Nghĩa Nam/ Nhân Dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm