Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VAFI lo Nhà nước mất tỷ USD nếu thoái vốn Vinamilk nhiều đợt

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng việc SCIC chọn phương án bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk chia thành nhiều đợt sẽ làm thất thu khoảng 1 tỷ USD.

Theo VAFI, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đi ngược lại quan điểm phải cổ phần hóa nhà nước ở mức giá cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Kế hoạch bán cổ phần nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) của SCIC, theo VAFI, loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá bằng việc đưa ra phương án chỉ bán 20% cổ phần nhà nước tại Vinamilk, tương ứng 9% vốn điều lệ.

"Phương án này sẽ gây thất thu cho nhà nước khoảng 1 tỷ USD nếu so sánh với cách thức bán một lần toàn bộ cổ phần nhà nước, chiếm 45% vốn điều lệ VNM", VAFI nhận định. 

neu thoai von Vinamilk anh 1
Theo VAFI, Nhà nước sẽ mất 1 tỷ USD nếu thoái vốn tại Vinamilk nếu bán theo cách của SCIC.

Cụ thể, theo phân tích của VAFI, nếu bán một lần toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamilk sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia.

"Sức hấp dẫn là bởi mua trọn lô cổ phần tương đương 45% vốn điều lệ, nhà đầu tư mới sẽ nắm giữ được cổ phần chi phối của VNM", VAFI phân tích.

Khi đó, nhà đầu tư mới có quyền điều hành doanh nghiệp dù không phải điều hành tuyệt đối. Số cổ đông còn lại có thể phủ quyết tại đại hội cổ đông nếu cổ đông lớn đi ngược lại lợi ích của họ.

Việc bán theo nhiều đợt, đợt đầu bán 9% vốn điều lệ sẽ loại bỏ sự tham gia các nhà đầu tư lớn là các tập đoàn đa quốc gia chuyên kinh doanh sữa, thực phẩm.

Các nhà đầu tư tài chính hiện có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ít tham gia vì họ đã đầu tư vào VNM.

Hơn nữa, theo VAFI, với quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ, hiện nhà đầu tư nước ngoài không khó mua cổ phiếu VNM ở số lượng không lớn và thực tế tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống còn 48%.

Nếu đấu giá một đợt, các nhà đầu tư tài chính mới cũng tham gia đấu giá và như vậy lượng cầu tham gia có thể gấp nhiều lần so với phương án của SCIC.

Để mua được toàn bộ lô cổ phần 45% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược phải bỏ giá cao hơn giá đang giao dịch niêm yết.

“Dự kiến giá đấu thành công không thấp hơn 25% so với giá niêm yết, tức là giá VNM được định giá khoảng trên 11,5 tỷ USD và nhà nước sẽ thu được hơn 5 tỷ USD”, VAFI đưa ra tính toán. Trong khi đó, giá trị doanh nghiệp của VNM hiện nay là hơn 9 tỷ USD, nếu bán đợt đầu nhà nước thu về khoảng trên 800 triệu USD.

Hơn nữa, theo VAFI, nếu cổ phần nhà nước tại VNM bán làm nhiều đợt có thể kéo dài vài năm. SCIC nhờ đó hưởng lợi vì có lãi và cổ tức thu được, từ đó có cơ sở hưởng chế độ lương thưởng cao.

Tuy nhiên, đơn vị này cảnh báo hiệu ứng bán 9% VNM sẽ được nhân rộng và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ diễn ra chậm chạp và nhà nước sẽ thất thu lớn ngân sách do ít thu hút được đông đảo các nhà đầu tư chiến lược tham gia và chất lượng cổ đông thấp.

40 năm của 'người đàn bà thép' ở Vinamilk

Được kênh CNBC (Mỹ) ví như "Margaret Thatcher", bà Mai Kiều Liên đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

SCIC sẽ bán Vinamilk giá bao nhiêu?

Thương vụ lớn bán 9% vốn Nhà nước tại VNM sẽ diễn chóng vánh trong 3-4 tháng tới. Hiện SCIC đang trong quá trình chọn nhà tư vấn.



Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm