VMN đã chính thức được SCIC chọn làm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện quá trình bán vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước. |
Liên quan đến việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), chiều 23/9, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã lên tiếng.
Theo danh mục 10 doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC thoái vốn có Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia, VNM, Công ty cổ phần FPT… Trong đó, VMN đã chính thức được SCIC chọn làm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện quá trình bán vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước này và đặt rất nhiều kỳ vọng.
“Giá trị vốn hóa của Nhà nước tại 10 doanh nghiệp này khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó, riêng VNM chiếm 90% (khoảng 90.000 tỷ).”, ông Chi cho biết.
SCIC dự kiến mức giá kỳ vọng nào khi bán VNM? Theo ông Nguyễn Đức Chi, đơn vị này kỳ vọng có thể bán giá cao nhất có thể để thu tiền về cho Nhà nước nhưng chắc chắn là sẽ không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch (giá sàn).
“VNM là thương hiệu lớn, giá trị cao, giá trị tài sản thực của VNM chưa đến 1 tỷ USD nhưng giá thị trường, tính theo thị giá lên đến 9 tỷ USD. Rõ là giá trị thương hiệu rất lớn”, ông Chi nói.
Vị này đồng thời khẳng định, VNM là doanh nghiệp tốt, minh bạch rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhà nước kỳ vọng và không giới hạn tổ chức hay cá nhân, nhà đầu tư trong hay ngoài nước tham gia. Miễn đáp ứng được năng lực tài chính.
SCIC đang trong quá trình lựa chọn tư vấn cho quá trình thoái vốn và dự kiến sẽ hoàn tất việc lựa chọn trong tháng 9 và khoảng tháng 11 sẽ có mức giá sàn đối với cổ phiếu của VNM. Những cái tên nhà tư vấn được SCIC nhắc đến gồm: Credit Suise, JP Morgan, HSBC, Morgan Stanley, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) Công ty chứng khoán Bản Việt, Công ty chứng khoán TP.HCM ...
Việc thoái vốn 9% cổ phần của Nhà nước tại VNM được đại diện SCIC khẳng định sẽ được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, là việc rút vốn tại doanh nghiệp nhà nước phải vừa trật tự vừa có hiệu quả cao, ổn định sự phát triển của doanh nghiệp sau khi thoái vốn vì đó là những doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến xã hội, thị trường chứng khoán…
Việc thoái vốn sẽ được thực hiện công khai, minh bạch nhằm thu hút sự quan tâm của tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, việc giới thiệu về VNM cũng sẽ được tổ chức cả trong và ngoài nước. Số tiền bán được , đại diện SCIC khẳng định sẽ thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội và luật ngân sách.
Cụ thể hơn là đã có kế hoạch trong cân đối khoản 30.000 tỷ để sử dụng cho đầu tư phát triển và xây dựng một số dự án công trình quan trọng. Như Bệnh viện Bạch mai 2, Việt đức 2, Chợ rẫy... có phần lấy từ nguồn thoái vốn này.
Hiện Nhà nước đang nắm giữ cổ phần tại VNM là hơn 45%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu VNM có thị giá là 140.000 đồng/cổ phiếu. Với 9% cổ phần bán đi,có thể nhìn thấy, nếu thuận lợi ít nhất Nhà nước sẽ thu khoảng 15.000 -18.000 tỷ đồng.
Sau VNM, SCIC cũng sẽ xây dựng kế hoạch bán vốn tại 9 doanh nghiệp nhà nước còn lại nhưng nhiều khả năng, thời gian từ nay đến hết năm, SCIC sẽ tập trung toàn tâm toàn ý vào thương vụ lớn nhất này!
“SCIC sẽ cố gắng bán VMN với giá cao nhất có thể nhưng chắc chắn là không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Dự kiến tháng 11 có thể công bố giá khởi điểm”, ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch SCIC