Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thoái vốn tại Vinamilk sớm nhất vào năm 2017

Vinamilk hiện có giá trị vốn hóa khoảng 9 tỷ USD và là thương hiệu lớn vì vậy việc định giá có thể kéo dài, nên thời điểm SCIC đấu giá thoái vốn sẽ rơi vào năm 2017.

Hãng thông tấn Reuters ngày 19/9 cho biết Chính phủ đã mời 6 ngân hàng đầu tư nước ngoài tư vấn cho việc bán cổ phần trong Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM). Dự kiến, Nhà nước sẽ bán khoảng 10% cổ phần của Vinamilk, tương đương giá trị thị trường khoảng 900 triệu USD.

Trước đó ngày 31/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc bán vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco và 10 doanh nghiệp SCIC nắm cổ phần đáng kể.

Hiện tại, Vinamilk là công ty niêm yết lớn nhất cả nước với giá trị thị trường lên đến gần 9 tỷ USD. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 44,7% cổ phần tại đây.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk ngay năm nay. Ông Tiến cho biết việc thoái vốn sẽ được thực hiện qua phương thức đấu giá công khai tại các địa điểm đấu giá, như công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán. 

Tuy nhiên, phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM trường hợp đơn giản là thoái vốn tại một công ty không có bất động sản đi kèm thì quá trình này mất ít nhất 2,5 tháng, từ lúc định giá đến khi đấu giá công khai. Còn trường hợp công ty có công ty con/liên kết và có sở hữu bất động sản, quá trình này sẽ mất ít nhất 5 tháng.

Với VNM, mặc dù đã niêm yết và có nhiều thông tin công khai, nhưng do quy mô lớn nên vẫn cần nhiều thời gian hơn để định giá. Theo đó, thời gian 3-4 tháng có lẽ là hơi gấp, và có thể đợt bán cổ phần nhà nước đầu tiên tại Vinamilk sẽ phải sang năm sau.

Dau gia thoai von cua Vinamilk anh 1
Giá bán cổ phần của Vinamilk có thể cao hơn 10 - 12% so với hiện tại. Ảnh: Vinamilk

Quá trình thoái vốn không những sẽ mất nhiều thời gian mà phải trải qua nhiều công đoạn. Bước đầu tiên là đề xuất kế hoạch thoái vốn bao gồm lộ trình, các phương án bán cổ phần dự kiến trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Bước tiếp theo là SCIC sẽ tìm đơn vị định giá, và đơn vị này sẽ hoàn tất quá trình định giá.

Bước thứ 3 là SCIC sử dụng kết quả định giá để trình kế hoạch cuối cùng lên Thủ tướng xem xét và phê duyệt cho các nội dụng: Định giá, giá bán và phương án bán cổ phần.

Sẽ mất khoảng 30 ngày để công bố thông tin doanh nghiệp, tổ chức roadshow. Bước cuối cùng là đấu giá.

Hiện, SCIC mới khởi động giai đoạn 2, cũng là giai đoạn tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Do vốn nhà nước tại VNM lớn và định giá doanh nghiệp này còn bao gồm cả giá trị thương hiệu, nên SCIC có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường khi lựa chọn một doanh nghiệp định giá phù hợp.

Vì vậy, thời điểm đấu giá đợt đầu tiên với 10% cổ phần của Vinamilk có lẽ sẽ rơi vào 6 tháng đầu năm 2017.

Việc Chính phủ quyết định thoái vốn tại Vinamilk là bước tiến quan trọng trong quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó sẽ là quá trình thoái vốn Habeco và Sabeco, sau khi hai công ty này thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay hoặc đầu năm sau.

HSC cho rằng trong tình hình hiện tại, giá bán cao hơn 10-12% so với thị giá là hợp lý. Tại thị giá hiện tại (140.000 đồng/cổ phiếu) chỉ số P/E (hệ số giá thu nhập trên mỗi cổ phần) dự phóng năm 2016 của VNM là 23,4 lần và 2017 là 21,8 lần.

Mức định giá này không còn rẻ nhưng vẫn ở mức hợp lý nếu so với doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm