Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu 2 tỷ USD nếu niêm yết Sabeco, Habeco trước khi thoái vốn

Tổng thư ký VAFI cũng đánh giá, việc thoái vốn 2 công ty này sau khi niêm yết có thể thu về cho Nhà nước lên tới 2 tỷ đôla Mỹ.

 

Sau cuộc họp với các bộ ngành liên quan vào ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tiếp tục bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty.

Trong đó, Sabeco và Habeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Vì vậy, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Khi bán vốn phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng.

Trao đổi vấn đề này với Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải,Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho biết, chủ trương niêm yết Sabeco, Habeco trên sàn chứng khoán sau đó mới thoái vốn là sáng suốt.

Khi niêm yết thì cơ sở định giá của 2 công ty trên sẽ do thị trường quyết định, và cao hơn hiện tại rất nhiều. Việc thoái vốn khi đã lên sàn chứng khoán sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn so với hiện tại, vì nhà đầu tư sẽ không còn phải e ngại doanh nghiệp này có trốn niêm yết nữa hay không.

Ông Hải cũng thẳng thắn: “Theo kiến nghị của Bộ Công Thương là thoái vốn xong mới tiến hành niêm yết thì có thể xảy ra tình trạng lợi ích nhóm. Thực tế đã có những nhóm lợi ích ngăn cản doanh nghiệp niêm yết, hoặc giá trị doanh nghiệp được mua rẻ qua con đường đối tác chiến lược, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước”.

Tổng thư ký VAFI cũng đánh giá, việc thoái vốn 2 công ty này sau khi niêm yết có thể thu về cho Nhà nước lên tới 2 tỷ đôla Mỹ.

thoai von tai Sabeco va habeco anh 1
Sabeco từng được hãng bia lớn nhất Thái Lan là ThaiBev đề nghị mua 53% cổ phần với giá 1 tỷ USD. Ảnh:TT

Trước đó, VAFI cũng đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, nói về tình trạng trốn niêm yết của Sabeco và Habeco, mặc dù đã cổ phần hóa được 8 năm.

Hiện tại, Nhà nước đang nắm 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco và 82% vốn điều lệ tại Habeco. Kế hoạch thoái vốn tại đây thu hút nhiều quan tâm của giới đầu tư và dư luận, bởi đây là 2 doanh nghiệp lớn, đứng số 1 và số 3 trong ngành bia hiện nay- tính theo sản lượng.

Bộ Công Thương là đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại hai ông lớn ngành bia này, và đang dính câu chuyện lùm xùm quanh việc cử các đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với những nhân sự được cho là không có kinh nghiệm quản lý và kinh doanh. Như trường hợp ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với vị trí Phó tổng giám đốc, ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch HĐQT Habeco.

Chủ trương tiếp tục thoái vốn tại Sabeco, Habeco và bán cổ phần do SCIC nắm giữ đang được giới đầu tư rất trông chờ. Các doanh nghiệp nằm trong danh sách nói trên đều là những hàng hot được săn đón trên thị trường chứng khoán thời gian qua.

10 doanh nghiệp do SCIC nắm giữ gồm: Tổng CTCP Bảo Minh (Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%), Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (VNR) 40,36%, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) 46,6%, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) 37,1%, Công ty Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) 47,6%, Nhựa Bình Minh (BMP) 29,6%, Vinamilk 45,1%, FPT 6%, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang  45,1%, FPT Telecom 50,17%. 

 

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm