Khi Covid-19 mới bùng phát, các nhà khoa học ở châu Phi tỏ rõ rằng họ không muốn phụ thuộc vào vaccine của nước ngoài. Họ lo ngại nước giàu sẽ gom hết các liều tiêm, bỏ lại những quốc gia có chi phí nghiên cứu hạn hẹp.
“Họ không quan tâm đến châu Phi nhiều như những người sống ở lục địa này”, Christian Happi, Giám đốc Trung tâm Châu Phi về gen của các bệnh truyền nhiễm ở Ede, Nigeria, nói với Washington Post.
Phòng thí nghiệm ở tây nam Nigeria của ông Happi đang cố gắng hoàn thành nghiên cứu vaccine Covid-19 của riêng họ.
Các tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Chris Hani Baragwanath của Soweto, ngoại ô Johannesburg, Nam Phi vào tháng trước. Ảnh: AP. |
Nhiệm vụ của ông Happi càng cấp bách hơn khi Mỹ, châu Âu và những nơi khác bắt đầu triển khai việc tiêm chủng.
Các quan chức y tế cộng đồng cảnh báo sự chênh lệch đang xuất hiện khi nước giàu giành được phần lớn liều tiêm của thế giới, trong khi các nước nghèo chỉ mua được số ít vaccine.
Nước giàu mua hết vaccine
Đến giữa tháng 11, các nước giàu đã đặt trước 51% số mũi tiêm sẽ được sản xuất, dù họ chỉ chiếm 14% dân số thế giới, theo công trình của hai nhà nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins đăng trên tạp chí BMJ.
Dập dịch ở những khu vực thiếu tài nguyên là điều quan trọng trong việc loại bỏ virus corona, giới chức y tế cho biết. Chỉ cần còn ca bệnh ở đâu đó, virus vẫn có thể phát triển và tiếp tục lây lan sang những nơi khác.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC) John Nkengasong cho biết chiến dịch phân phối vaccine tại đây sẽ không bắt đầu cho đến ít nhất là vào tháng 4. Và ngay cả khi chiến dịch khởi động, số vaccine được đưa đến châu Phi vẫn sẽ ít hơn nhiều so với những lô hàng đến Mỹ và châu Âu.
“Thật khủng khiếp khi phải chứng kiến chuyện này”, ông Nkengasong nói với Washington Post.
Phần lớn trong số 54 quốc gia ở châu Phi sẽ được hưởng lợi từ Covax, chương trình Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạo ra nhằm chia một tỷ liều vaccine cho 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình vào năm tới.
Tuy nhiên, Covax cần thêm 5 tỷ USD nữa để vaccine đến được những đối tượng dễ bị biến chứng Covid-19 ở các quốc gia trên trước năm 2022, theo Liên minh vaccine Gavi. Gavi là tổ chức đang gây quỹ cho Covax.
Một nhà nghiên cứu ra khỏi cơ sở thử nghiệm vaccine Covid-19 ở Soweto, Nam Phi. Ảnh: AP. |
“Châu Phi thường xuyên bị đối xử bất công”, Ahmed Ogwell Ouma, Phó giám đốc CDC châu Phi, nói.
Không có dấu hiệu cho thấy những quốc gia nghèo nhất mua được vaccine từ những công ty như Pfizer, công ty đồng phát triển loại vaccine đầu tiên được phê chuẩn ở Mỹ, theo các nhà nghiên cứu từ đại học Duke. Họ cũng nói có thể rất nhiều người sẽ “hoàn toàn phụ thuộc” vào Covax.
Mỹ đã mua 800 triệu liều tiêm, gần gấp 3 lần dân số nước này, theo nghiên cứu trên BMJ. Trong khi đó, tổng số mũi vaccine các nước thu nhập thấp mua được lại ít hơn của Mỹ 100 triệu liều.
Nếu không có gì thay đổi, 9 trên 10 người ở 67 quốc gia thu nhập thấp sẽ không được chủng ngừa vào năm tới, theo Liên minh Vaccine của Mọi người - liên minh gồm các tổ chức Ân xá Quốc tế, Frontline AIDS, Global Justice Now và Oxfam.
Nhiều rào cản
Nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi phân phối vaccine bình đẳng.
“Cơ hội được tiêm vaccine của mỗi người không nên phụ thuộc vào số tiền người đó có hoặc quốc gia người đó đang sống”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu vào tháng 5.
Vào tháng 10, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari nói rằng châu Phi “không thể chờ một thỏa thuận quốc tế thêm nữa”.
Có hàng trăm loại vaccine Covid-19 đang được phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, chưa có loại vaccine nào ở châu Phi đạt đến bước thử nghiệm lâm sàng.
Với ông Happi, chi phí nghiên cứu là rào cản lớn nhất.
Ông cho biết công thức vaccine đang nghiên cứu ở Nigeria hiệu quả 90% khi thử nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, cơ sở nghiên cứu của ông không đủ tiền để chuyển qua thử nghiệm trên con người.
Ngân hàng Trung ương Nigeria dành ra 1,3 triệu USD cho việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một loại thuốc thường cần đến hàng trăm triệu USD.
Kế đến là những rào cản về hậu cần trong đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử châu Phi. Theo WHO, châu lục này chỉ mới sẵn sàng 33% trong việc triển khai vaccine, thấp hơn mục tiêu 80% được đề ra.
Một vấn đề nan giải là châu Phi thiếu phòng lạnh và tủ đông công nghệ cao để trữ vaccine nhập khẩu. Chẳng hạn, vaccine Covid-19 của Pfizer phải được trữ ở nhiệt độ âm 70 độ C. Đây là nhiệm vụ khó khăn ở nơi không có nguồn điện ổn định như châu Phi.
Một số hãng hàng không đã có công nghệ vận chuyển lạnh. Đầu tháng này, Ethiopian Airlines công bố kế hoạch phân phối vaccine Covid-19 bằng máy bay trên khắp châu Phi.
Tuy nhiên, thông tin sai lệch đã khiến người dân châu Phi hoài nghi về các phương pháp chữa trị từ nước ngoài. Mùa hè năm nay, mạng xã hội ở châu Phi bùng nổ trong sự giận dữ sau khi một bác sĩ Pháp đề nghị thử nghiệm thuốc mới tại đây.
Giới chức y tế tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thử nghiệm lâm sàng tại châu Phi. Họ nói vaccine phải được thử nghiệm trên các nhóm người khác nhau để đảm bảo sự hiệu quả, theo Washington Post.
“Phần lớn cơ thể chúng ta giống nhau, nhưng sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc”, Moses Bockarie, nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Y tế Nam Phi, cho biết.
Nam Phi, Ai Cập và Kenya đã tuyển người tham dự vào các cuộc thử nghiệm vaccine do phương Tây sản xuất.
Tình nguyện viên Thabisle Khlatshwayo điền phiếu nghiên cứu sau khi được tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai ở Soweto, Nam Phi. Ảnh: AP. |
Theo Shabir Madhi, giáo sư tiêm chủng tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi, vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển dường như là ứng cử viên sáng giá nhất cho hầu hết quốc gia châu Phi. Loại vaccine này có thể được vận chuyển và trữ ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.
Trong khi đó, ông Happi mong muốn giải pháp mang tính địa phương hơn, một thứ mà người dân châu Phi có thể tin tưởng.
Nhóm của ông Happi đã tạo ra một loại vaccine dùng các loại virus có ở châu Phi và cấu tạo di truyền của hệ thống miễn dịch ở đây.
“Bạn không thể tạo ra vaccine theo phản ứng trên người sống ở New York, Paris hay Berlin mà không tìm hiểu về tác dụng của nó lên người dân châu Phi”, ông Happi cho biết.