Thông tin này được Liên minh Vaccine của Mọi người - liên minh gồm các tổ chức Ân xá Quốc tế, Frontline AIDS, Global Justice Now và Oxfam - đưa ra sau khi Anh có người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19, Guardian đưa tin.
Theo liên minh, các nước giàu đã mua hơn 53% số liều vaccine sắp được sản xuất, trong khi chỉ chiếm 14% dân số thế giới.
Canada là quốc gia mua vượt số liều vaccine trên đầu người nhiều nhất. Quốc gia này đã mua số vaccine đủ để chủng ngừa cho mỗi người dân Canada đến 5 lần.
“Quyền được tiêm vaccine của mỗi người không nên phụ thuộc vào số tiền người đó có hoặc quốc gia người đó đang sống”, Anna Marriott, Giám đốc Chính sách Y tế của Oxfam, cho biết.
“Nếu chuyện này không thay đổi, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không được tiêm vaccine Covid-19 hiệu quả và an toàn trong nhiều năm tới”, bà Marriott nói thêm.
Bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Anh. Ảnh: Reuters. |
96% số liều vaccine của Pfizer/BioNTech, loại vaccine vừa được phê duyệt ở Anh, đã được các quốc gia phương Tây mua lại. Những liều tiêm của Moderna, loại vaccine dùng cùng công nghệ và cũng có hiệu quả 95% như Pfizer/BioNTech, thuộc về các nước giàu. Cả hai loại vaccine này đều có giá cao và phải trữ ở nhiệt độ rất thấp. Vì vậy, việc phân phối đến các nước thu nhập thấp sẽ phức tạp hơn.
Ngược lại, vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca có thể được trữ trong tủ lạnh thông thường. Loại vaccine này hiệu quả 70% và cũng có giá ở mức thấp hơn. Nhà sản xuất vaccine Oxford/AstraZeneca cho biết 64% số liều sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, một công ty không thể cung cấp cho toàn bộ thế giới. Vaccine của Oxford/AstraZeneca chỉ có thể được đưa đến cho tối đa 18% dân số thế giới vào năm sau, theo Guardian.
Do đó, các nhà vận động muốn những công ty sản xuất vaccine chia sẻ công nghệ và tài sản trí tuệ qua nền tảng của Tổ chức Y tế Thế giới. Điều này sẽ giúp các nước đang phát triển sản xuất và mua được vaccine với giá thấp hơn.