Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ủy viên trẻ nhất của Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc

Từng hỗ trợ ông Tập Cận Bình khi cả hai làm việc ở Thượng Hải, nay ông Đinh Tiết Tường tiếp tục đi cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc bên trong cơ quan chính trị quyền lực nhất đất nước.

Ông Đinh Tiết Tường, một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX. Ảnh: Reuters.

Trong 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa XX được công bố ngày 23/10, ông Đinh Tiết Tường - Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng - là một trong 4 cái tên lần đầu có mặt tại cơ quan quyền lực này.

Ở tuổi 60, ông Đinh Tiết Tường là người trẻ tuổi nhất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Về lý thuyết, ông có thể phục vụ ít nhất hai nhiệm kỳ trước khi đến tuổi nghỉ hưu.

Dù chưa từng đảm nhiệm qua vị trí bí thư tỉnh ủy hoặc tỉnh trưởng một tỉnh ở Trung Quốc, cũng như hiếm xuất hiện trước công chúng, ông Đinh được cho là người hỗ trợ đáng tin cậy cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và thường xuyên tháp tùng nhà lãnh đạo trong các chuyến thăm trong nước và quốc tế.

Bước tiến chính trị

Theo thông tin từ Tân Hoa xã, ông Đinh Tiết Tường xuất thân từ tỉnh Giang Tô. Ông tốt nghiệp Đại học Phúc Đán và có công việc đầu tiên vào năm 1982, trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc hai năm sau đó. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Vật liệu Thượng Hải.

Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ thành phố Thượng Hải, được xem như bước đầu cho con đường thăng tiến của ông, theo South China Morning Post.

Ông chuyển sang làm nhiều vị trí tại thành ủy Thượng Hải, và danh tiếng chính trị của ông bắt đầu được gây dựng khi làm trợ lý cho ông Tập Cận Bình vào năm 2007, người thời điểm đó giữ chức bí thư Thượng Hải.

Khi ông Tập tiếp quản vị trí lãnh đạo vào năm 2013, ông Đinh Tiết Tường được chuyển đến Bắc Kinh và tiếp tục hỗ trợ ông Tập với tư cách Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Ông sau đó đã kế nhiệm ông Lật Chiến Thư, trở thành chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

bo chinh tri trung quoc anh 1

Ông Đinh Tiết Tường (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

Dấu ấn cho thăng tiến trong chính trường của ông nhiệm kỳ qua được thể hiện ở việc từ chỗ là thành viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII, ông trở thành một trong 25 thành viên chủ chốt cho vị trí Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, trước khi thành một trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị vào Đại hội XX vừa qua.

Chân dung nhà kỹ trị

Từ tháng 2, giới chuyên gia đã nhận định ông Đinh sẽ có một vai trò lớn trong cơ cấu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến các quyết sách về khoa học công nghệ.

Theo Diplomat, với xuất thân từ ngành nghiên cứu vật liệu, một lĩnh vực quan trọng với các chính sách công nghiệp và phát triển nguồn lực cho kinh tế quốc gia, ông Đinh là một nhân tố phù hợp với mục tiêu theo đuổi tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc. Vật liệu mới là một lĩnh vực chiến lược, và phát triển nguồn vật liệu mới cũng đi đôi với chính sách chiến lược như địa kinh tế và nguồn lực nước ngoài.

“Kinh nghiệm của ông Đinh cho thấy ông là một nhà quản lý tài năng có sự khéo léo chính trị, cũng như biết trân trọng chuyên môn kỹ trị”, ông Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc và Đông Bắc Á thuộc Eurasia Group, nói với Reuters.

Khoa học công nghệ là mục tiêu mà Trung Quốc đặt trọng tâm phát triển trong thời gian tới.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đảng XX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh mục tiêu chính là "đẩy nhanh việc thực hiện khả năng tự lực và tự cải thiện về khoa học công nghệ ở trình độ cao". Reuters cho biết bài phát biểu khai mạc hôm 16/10 của ông Tập đã nhắc đến cụm từ "công nghệ" 40 lần, so với 17 lần hồi đại hội đảng năm 2017.

Người luôn ở "phía sau hậu trường"

Chủ tịch Tập Cận Bình đi đến đâu, vị phụ tá đang giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có mặt ở đó.

Công chúng có thể không nghe nhiều thông tin về ông Đinh Tiết Tường, song ông là người theo sát mọi cuộc gặp, quán xuyến giấy tờ và các chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, South China Morning Post cho biết.

bo chinh tri trung quoc anh 2

Ông Đinh Tiết Tường (trái) đứng cùng cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai mạc giải Bóng rổ Thế giới 2019 ở Bắc Kinh. Ảnh: Văn phòng Báo chí Philippines.

Ông Đinh đã tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan vào tháng 9, chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài ra, ông Đinh cũng đi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du đến Washington vào năm 2015, cũng như các chuyến thăm trong nước.

“Điều thực sự nổi bật ở ông Đinh Tiết Tường là ông ấy đã dành nhiều thời gian cho ông Tập hơn bất kỳ quan chức nào khác trong 5 năm qua”, ông Neil Thomas nói.

Không có nhiều thông tin viết về thời gian của ông Đinh ở Thượng Hải. Dù vậy, một bài báo do ông là tác giả và được Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng tải năm 2008 đã chỉ ra tầm quan trọng của ông với các công việc hành chính. Trong bài viết, ông được mô tả là người có ảnh hưởng lớn đến thành công hay thất bại của đất nước.

Bản thân ông Đinh Tiết Tường hiếm khi có các cuộc gặp riêng với những quan chức nước ngoài. Vào năm 2018 tại Bắc Kinh, ông đã gặp ông Anton Vaino - Chánh văn phòng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được ví như "người đồng cấp" với ông Đinh.

bo chinh tri trung quoc anh 3

Chức vụ hiện tại của 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc. Đồ họa: Mỷ Thi.

Lễ ra mắt Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc Ông Tập Cận Bình cùng 6 thành viên khác của Ban thường vụ Bộ Chính trị mới đã lần lượt bước lên khán đài trong tiếng vỗ tay và trước sự quan sát của đông đảo báo giới.

Chân dung Ban thường vụ Bộ Chính trị mới của Trung Quốc

Trừ ông Tập Cận Bình, Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế, 4 người còn lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa XX đều lần đầu có mặt tại cơ quan quyền lực này.

Cơ quan quyền lực nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc

Các ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là những nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà nước Trung Quốc, nắm quyền lực to lớn trong định hình chính sách của Bắc Kinh.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm