Bảy ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX ra mắt năm 2017. Ảnh: AP. |
Với vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị Trung Quốc, Ban thường vụ Bộ Chính trị luôn là cơ cấu được giới quan sát dành nhiều sự chú ý.
Bảy ủy viên của cơ quan này được coi là những nhà lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Kinh, nắm giữ các chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống đảng và nhà nước Trung Quốc.
Quyền lực to lớn
Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc được coi là cơ cấu tầng đầu tiên, giữ quyền lực cao nhất trong “kim tự tháp” chính trị của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo điều lệ đảng Trung Quốc, giữa các phiên họp của Ủy ban Trung ương đảng (thường tổ chức mỗi năm một lần), Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị nắm quyền lực và thực hiện các chức năng của Ủy ban Trung ương.
Trong khi đó, điều lệ của Ủy ban Trung ương đảng Trung Quốc quy định Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị là “bộ não và trung tâm” của hệ thống tổ chức đảng.
Theo văn bản này, Ban thường vụ Bộ Chính trị có nhiệm vụ thi hành các nghị quyết, quyết định và chính sách của đại hội đảng, Ủy ban Trung ương và Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, thể chế này cũng được trao một số quyền hành khác như quyết định các vấn đề quan trọng của đảng và nhà nước, ra quyết sách trong những tình huống khẩn cấp hay đề xuất bổ nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật cán bộ.
Các văn bản của đảng Cộng sản Trung Quốc không quy định số lượng ủy viên thường vụ Bộ Chính trị cụ thể. Trên thực tế, con số này cũng thay đổi theo nhiệm kỳ: Thời Tổng bí thư Giang Trạch Dân có 7 ủy viên, tới thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào tăng lên có 9 ủy viên, rồi từ khóa XVIII đến nay (thời Tổng bí thư Tập Cận Bình) quay trở về 7 ủy viên.
Theo điều lệ đảng Trung Quốc, Ban thường vụ Bộ Chính trị được bầu bởi Ủy ban Trung ương trong một phiên họp toàn thể. Thông thường, phiên họp này được tổ chức ngay trong thời gian diễn ra đại hội đảng, ngay sau khi Ủy ban Trung ương được bầu.
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, cơ cấu của Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đều bao gồm: tổng bí thư - chủ tịch nước, thủ tướng, ủy viên trưởng Nhân đại (tức Quốc hội), chủ tịch Chính hiệp, bí thư thứ nhất Ban bí thư, bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và phó thủ tướng thứ nhất.
Trong lịch sử Trung Quốc, chưa có người phụ nữ nào được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị.
Cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, nhiệm kỳ 2017-2022. Đồ họa: Hiền Đức. |
Ai đang là ủy viên?
Người đứng đầu danh sách là Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây đã là lần thứ ba ông Tập được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Ở thời điểm lần đầu bước chân vào cơ quan này năm 2007, ông đang là bí thư thành ủy Thượng Hải - vị trí ông mới đảm nhiệm 7 tháng. Trước đó, ông là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang.
Đáng chú ý, ông Tập trở thành ủy viên thường vụ ngay trong lần đầu tiên được bầu vào Bộ Chính trị - chỉ dấu cho thấy ông đã được lựa chọn để trở thành nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo.
Ông Tập năm nay đã 69 tuổi. Đánh giá của giới chuyên gia khá thống nhất là ông Tập sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc thêm ít nhất một nhiệm kỳ nữa.
Vị trí thứ hai thuộc về Thủ tướng Lý Khắc Cường. Giống như ông Tập, ông Lý cũng được “đôn” thẳng từ vị trí ủy viên trung ương lên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị năm 2007. Với việc trở thành phó thủ tướng thứ nhất 5 tháng sau, ông Lý đã nắm chắc chiếc ghế thủ tướng của thế hệ tiếp theo, điều trở thành hiện thực 5 năm sau đó.
Ông Lý năm nay 67 tuổi. Về lý thuyết, ông vẫn còn có thể tái cử vào cơ quan lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ tới. Dù vậy, hiến pháp Trung Quốc quy định một cá nhân chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ thủ tướng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Trong cuộc họp báo hồi tháng 3, ông Lý cũng đã xác nhận sẽ rời nhiệm sở sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc.
Sau ông Lý là Chủ tịch Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc Lật Chiến Thư. Ông Lật đã 72 tuổi và hiện là thành viên cao tuổi nhất trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
Người đứng thứ tư là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc Uông Dương. Ông Uông bằng tuổi ông Lý, do đó vẫn còn có cơ hội tái cử.
Vị trí tiếp theo thuộc về Bí thư thứ nhất Ban bí thư Vương Hỗ Ninh, người được coi là nhà lý luận hàng đầu của Trung Quốc hiện nay. Ông đón sinh nhật lần thứ 67 trong tháng 10 này.
Cái tên xếp thứ 6 là Triệu Lạc Tế, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan chủ chốt trong chiến dịch chống tham nhũng mà Bắc Kinh phát động trong những năm qua. Ông Triệu là thành viên trẻ nhất trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc nhiệm kỳ này khi mới 65 tuổi.
Người cuối cùng trong danh sách là Phó thủ tướng thứ nhất Hàn Chính, người cũng từng là bí thư thành ủy Thượng Hải như ông Tập. Ông Hàn năm nay đã 68 tuổi - độ tuổi phải nghỉ hưu.