Thông tin này được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra tại buổi họp báo chiều 19/6 khi công bố kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Theo ông Phúc, trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật liên quan đến các kiến nghị giám sát hoạt động xét xử vụ án Hồ Duy Hải.
Chờ báo cáo của Ủy ban Tư pháp
“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài 12 năm. Hội đồng Thẩm phán đã mở phiên giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao. Sau kết luận giám đốc thẩm thì có nhiều ý kiến từ dư luận, báo chí và đại biểu Quốc hội”, ông Phúc nói.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Tư pháp xem xét và có báo cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Phúc, Ủy ban Tư pháp mới họp hôm 16/6 để xem xét về vụ án và hiện chưa có báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Tư pháp có báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và có quan điểm, khi đó sẽ thông tin cho báo chí.
Ủy ban Tư pháp sẽ có báo cáo vụ Hồ Duy Hải. Ảnh đồ họa: Như Ý. |
Vụ án liên quan đến Hồ Duy Hải án xảy ra từ năm 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ án này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải được tòa phúc thẩm tuyên vào 4/2009.
Sáng 16/6, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải nhằm xem xét tính đúng đắn về quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán vừa qua.
Trước đó một ngày, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng báo cáo trước Quốc hội về vụ án này. Ông Bình đã nêu nhiều chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội.
Theo Chánh án TAND Tối cao, Hồ Duy Hải có 25 lời khai. Lời khai nhận tội đầu tiên khá chi tiết do Hải tự viết ra chứ không phải do hỏi cung. Và trong quá trình tố tụng, ở những thời điểm quan trọng, Hải đều thừa nhận. Điển hình như khi có kết luận điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát, Hải đều thừa nhận là đúng.
Kết thúc phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hải gửi đơn cho Chủ tịch nước cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan.
42 đại biểu gửi văn bản chất vấn bộ trưởng
Cũng tại cuộc họp, trả lời về hình thức trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ khi Quốc hội không tiến hành chất vấn trực tiếp, Tổng thư ký Quốc hội cho biết kỳ họp này Quốc hội không tổ chức chất vấn trực tiếp mà dành thời gian cho các thành viên Chính phủ tập trung xử lý về dịch bệnh Covid-19, nhất là sau khi dịch được kiểm soát, rất nhiều công việc còn ngổn ngang.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: T.Thường. |
Theo ông Phúc, việc chất vấn bằng văn bản cũng là hình thức giám sát và bộ trưởng có trách nhiệm nghiên cứu trả lời, chậm nhất sau 20 ngày theo luật định.
“Đã có 42 văn bản của đại biểu chất vấn các bộ trưởng và hiện bộ trưởng đang chuẩn bị trả lời. Nôi dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội”, ông Phúc nói.
Nói thêm về điểm nhấn của kỳ họp, ông Phúc cho biết đây là kỳ họp đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến sau 75 năm thành lập. Trên thế giới chỉ có 3 nghị viện tiến hành họp theo hình thức này.
“Tuy là lần đầu tiên họp trực tuyến nhưng kết quả đạt được có thể khẳng định rất tốt, mở ra cơ hội để tiêp tục nghiên cứu đổi mới hoạt động của Quốc hội”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết qua thăm dò, đại đa số đánh giá cao hình thức tổ chức họp tại kỳ họp thứ 9 và gần 74% đại biểu đề nghị tiếp tục áp dụng một kỳ họp chia làm 2 đợt như vừa qua.