Đó là khẳng định của ông Trần Quang Hoài, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, khi trao đổi với báo chí ngày 15/2 về việc Hà Nội xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề xuất thay đổi kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, quận Tây Hồ).
Theo ông Hoài, đê sông Hồng trên địa bàn Hà Nội là đê cấp đặc biệt để bảo vệ an toàn cho thủ đô và các tỉnh lân cận. Vì vậy, đê sông hồng không thể hạ thấp được. “Chúng ta đã có quy hoạch chi tiết cho đê sông Hồng rồi. Hiện, Hà Nội chỉ có đề xuất cho thay thế đê đất hình thang thành đê bê tông hình chữ L”, ông Hoài nói.
Vị Phó Tổng cục trưởng khắng định đây là vấn đề Bộ Nông nghiệp hết sức quan tâm và lưu ý đảm bảo chống lũ là ưu tiên số một của đê sông Hồng. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền mới tính đến chỉnh trang đô thị, mở rộng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc, tạo thêm những cảnh quan vẻ đẹp cho Hà Nội…
Hà Nội đề xuất thay đê đất hình thang sẽ được bằng đê bê tông hình chữ L. Ảnh: Văn Chương. |
Theo đề xuất, việc thay đổi kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng sẽ được thực hiện từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, Tây Hồ. Mục đích của việc này là để Hà Nội mở rộng đoạn đường Nghi Tàm, xây dựng cầu vượt nút giao thông đường An Dương – Thanh Niên, nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực này.
Về tính toán kết cấu của đê đảm bảo an toàn chống lũ, ông Trần Quang Hoài cho hay phải giao cho đơn vị tư vấn, tính toán thật kỹ. Sau đó, Bộ Nông nghiệp sẽ yêu cầu Hà Nội thuê tư vấn thẩm tra Thiết kế đảm bảo cho an toàn chống lũ cao hơn tất cả các tuyến đê khác, với tần suất lũ xuất hiện là 500 năm/lần.
“Công trình phải đảm bảo vĩnh cửu, không thể để xảy ra sự cố khi có lũ. Đối với tình huống như hiện nay biến đổi khí hậu, các hồ chưa thượng lưu sông Hồng với tổng dung tích cắt lũ là 8,5 tỷ m3, không đủ khả năng để cắt lũ cho hạ lưu”, ông Hoài nói.
Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lấy ví dụ thủ đô Bangkok (Thái Lan) năm 2010 khi các hồ chứa thượng lưu đã cắt lũ, nhưng không thể cắt lũ tiếp theo được nữa. Việc này khiến Bangkok ngập lụt, thiệt hại lên tới 42 tỷ USD.
“Thủ đô Hà Nội không thực sự chú trọng tuyến đê này, nếu xảy ra thảm họa thì tôi nghĩ sẽ thiệt hại lớn hơn Bangkok nhiều. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp sẽ bàn với Hà Nội để đảm bảo an toàn nhất nếu như được đồng ý triển khai”, ông Hoài nêu.
Về lộ trình thực hiện thay đổi kết cấu đê, ông Trần Quang Hoài cho biết phải thiết kế, rồi mở các cuộc hội thảo lấy ý kiến, thẩm tra theo tiêu chuẩn quốc gia. “Sau đó, Hà Nội mới trình lên cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Thời gian không phải ngắn để giải quyết định được, còn cụ thể bao lâu thì tôi dành câu trả lời cho Hà Nội”, ông Hoài thông tin.
Đoạn đê được đề xuất thay đổi kết cấu dài khoảng 1.100 m, từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Ảnh: Google Maps. |
Ngày 24/1, UBND Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương đến cao độ dương 12,4 m, như phương án đã đề xuất trước đó.
Theo UBND Hà Nội, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận.
UBND Hà Nội cho rằng thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...), các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn Hà Nội.
Đề xuất của Hà Nội gây ra nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến ủng hộ nhưng đa số cho rằng đề sông Hồng rất trọng yếu trong công tác chống lũ nên phải cẩn trọng.
Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp đã đồng ý với đề xuất thay đổi kết cấu đê đất sang đê bê tông nhưng yêu cầu Hà Nội phải lên phương án, thiết kế chi tiết.