Nhận định về các ưu tiên của Trung Quốc trong nhiệm kỳ mới, ông Michael R. Powers - giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa - cho rằng Bắc Kinh sẽ chú trọng tới 3 lĩnh vực.
“Tập trung vào quá trình trẻ hóa quốc gia tại thời điểm đối mặt với nhiều thách thức, thúc đẩy Sáng kiến Thịnh vượng chung và tham gia tích cực vào các vấn đề đa phương toàn cầu”, ông trao đổi với Zing.
Ông Michael R. Powers - giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. Ảnh: sem.tsinghua.edu.cn. |
Hôm 17/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi toàn thể người dân đoàn kết như "miếng thép cứng" dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng tâm hiệp lực tạo sức mạnh cho con tàu trẻ hóa đất nước vượt sóng và gió về đích, theo Tân Hoa xã.
Trước đó, Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc vào ngày 16/10, và ông Tập là người phát biểu lễ khai mạc.
“Theo tôi, thông điệp chính của ông Tập qua bài phát biểu này là Trung Quốc nỗ lực cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, tăng trưởng kinh tế ổn định và cải cách, cũng như tham gia tích cực vào các vấn đề đa phương toàn cầu”, giáo sư Powers nhận định.
"Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, và hy vọng nước này cũng sẽ nhận được tôn trọng như vậy", ông nói thêm.
Tốc độ tăng trưởng không còn là ưu tiên hàng đầu
Ông Powers dùng 3 từ “tự tin, toàn diện và cân bằng” để mô tả về bài phát biểu trong phiên khai mạc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Bài phát biểu này có phần ngắn gọn hơn các bài phát biểu từ những năm trước. Tuy nhiên, tôi tin rằng sự thay đổi này nhằm cung cấp sự truyền tải hiệu quả hơn, trong bối cảnh các phương tiện truyền thông cần đưa tin nhanh chóng và rộng rãi”, giáo sư nhận định.
Theo South China Morning Post, năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu trong 1 giờ 45 phút - ngắn hơn nhiều so với bài phát biểu dài 3 giờ 25 phút năm 2017.
Ông Tập Cận Bình chia sẻ trong bối cảnh “gió to, sóng lớn, và thậm chí cả những cơn bão nguy hiểm”, điều quan trọng là phải giải mã chính sách kinh tế của Trung Quốc, đồng thời duy trì mục tiêu bao trùm, xác định những chính sách này sẽ mang lại những cơ hội nào cho sự phát triển cả trong và ngoài nước, theo Global Times.
Ông Tập cũng khẳng định "thịnh vượng chung" là mục tiêu chính cho các chính sách phát triển và chiến lược kinh tế trong tương lai, China Daily cho hay.
Chuyên gia nhận định trong nhiệm kỳ tới, Trung Quốc sẽ tăng cường chú trọng vào việc phát triển các công nghệ mới. Ảnh: Reuters. |
Đề cập đến sáng kiến “thịnh vượng chung”, giáo sư Powers cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu này song song với chiến lược “vòng tuần hoàn kép”.
“Khía cạnh cốt lõi của chiến lược ‘vòng tuần hoàn kép’ là đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc đủ phát triển trong tất cả lĩnh vực quan trọng nhằm ứng phó với sự gián đoạn về tài chính, thương mại và nguồn lực đôi khi phát sinh trên thị trường quốc tế”, ông nói.
“Chẳng hạn, để giảm tác động của những căng thẳng thương mại tiềm tàng, điều quan trọng là ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phải mạnh. Và để chuẩn bị cho sự tắc nghẽn nguồn cung liên quan đến đại dịch, cần phải tiếp cận với nhiều nguồn nguyên liệu thô”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Ông Powers cũng nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ tăng cường chú trọng vào việc phát triển các công nghệ mới. Đặc biệt chú ý sử dụng (những công nghệ này) trong việc mở rộng cơ hội kinh tế cho nhóm thu nhập thấp hơn và bảo vệ môi trường”.
“Sự hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ cao đã chiếm một phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục tạo ra tăng trưởng trong tương lai gần”, giáo sư từ Đại học Thanh Hoa nói.
Khả năng tự cung cấp công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng, và vai trò ngày càng mở rộng của những yếu tố này trong quá trình hiện đại hóa Trung Quốc cũng được ông Tập đề cập trong bài phát biểu về chính sách kinh tế.
“Chúng ta phải coi khoa học và công nghệ là lực lượng sản xuất chính, tài năng là nguồn lực chính và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chính”, ông nói.
Bài phát biểu khai mạc đại hội cũng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình giải thích về nội hàm của hiện đại hóa Trung Quốc - con đường duy nhất định hướng cho việc hoạch định chính sách của nước này nhằm hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai. Trong đó, ông Tập nêu rõ một kế hoạch dài hạn coi phát triển chất lượng cao là sứ mệnh chính để đạt được hiện đại hóa, theo Global Times.
Giáo sư Powers nhận định Trung Quốc có cách tiếp cận “cân bằng, chú trọng cả tăng trưởng và công bằng kinh tế”.
“Tốc độ tăng trưởng nói chung không phải ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm, vì nước này đã theo đuổi việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, ông nói.
“Đại dịch Covid-19 đã làm rõ cam kết của chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe của công dân, ngay cả khi có thiệt hại kinh tế”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Song ông cho rằng “với những cải tiến trong việc phát hiện, theo dõi và ngăn chặn sự lây lan của virus, tôi tin rằng các hạn chế của Trung Quốc sẽ được sửa đổi trong 6 tháng tới để giảm thiểu tác động đến hoạt động kinh tế trong năm 2023”.
Và các nhà đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục quan tâm nhiều đến Trung Quốc.
“Mặc dù đồng USD Mỹ mạnh lên có thể thu hút đầu tư vào Mỹ, Trung Quốc vẫn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đa dạng hóa các rủi ro kinh tế và chính trị trong danh mục đầu tư của họ”, ông nói.
Hôm 17/10, ông Triệu Thần Hân - Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho rằng “nền kinh tế đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao sang chất lượng cao”, theo CNBC News. “Chúng tôi cũng phải đối mặt với tình hình mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài”, ông nói thêm.
Thách thức lớn
Trong nhiệm kỳ tới, giáo sư Powers nhận định già hóa dân số là thách thức về kinh tế và xã hội lớn nhất đối với Trung Quốc.
Các nhà nhân khẩu học cho biết mặc dù Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, tỷ lệ sinh của nước này trên đà giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay với dự đoán chỉ có chưa tới 10 triệu trẻ ra đời, so với con số 10,6 triệu vào năm ngoái.
Theo Financial Times, việc dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng “tăng tốc” trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới các lợi thế kích thích tăng trưởng và quản lý khủng hoảng kinh tế của Bắc Kinh.
Tỷ lệ sinh của nước này là 1,16 vào năm 2021, thấp hơn mức tiêu chuẩn dân số ổn định 2,1 của OECD và thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới, Reuters đưa tin.
Tỷ lệ sinh thấp cùng dân số già là bài toán khó cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Về vấn đề này, ông Powers cho rằng Trung Quốc cần đưa ra nhiều chiến lược, nhằm “duy trì mức sinh thay thế thích hợp, đầu tư vào các công nghệ phù hợp để tăng năng suất lao động và thỏa mãn nhu cầu, tài trợ cho chăm sóc sức khỏe và lương hưu của công dân lớn tuổi”.
Đề cập tới việc một số vấn đề xã hội ảnh hưởng thế nào tới chính sách kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới, vị chuyên gia từ Đại học Thanh Hoa cho rằng phần quan trọng của chương trình trẻ hóa quốc gia là tận dụng lợi thế từ các công nghệ mới, cũng như môi trường làm việc có nhịp độ nhanh, để mọi công dân có thể dễ dàng thích ứng với tình hình mới.
“Nỗ lực này rất quan trọng đối với cả người trẻ tuổi tham gia lực lượng lao động và đối tượng cao niên, để họ thích nghi với các phương pháp tương tác mới trong giáo dục thường xuyên, kinh doanh và các dịch vụ xã hội khác nhau”, ông kết luận.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội lần thứ XX hôm 16/10, ông Tập Cận Bình nói nước này “sẽ thiết lập hệ thống chính sách để tăng tỷ lệ sinh và theo đuổi chiến lược quốc gia chủ động nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số”.
Theo Tân Hoa xã, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định nước này sẽ cải thiện hệ thống phân phối thu nhập. Ngoài ra, ông Tập cũng cho biết giới chức sẽ nâng cao hệ thống an sinh xã hội với việc mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội.