Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Dự thảo nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu, hầu hết ý kiến đồng thuận với sự cần thiết ban hành luật và thành lập các đặc khu trong giai đoạn hiện nay.
Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số giải trình về những điều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn và ý kiến trái chiều.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lựa chọn 3 đặc khu hiện nay là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều được tính toán kỹ lưỡng với sự tham vấn, cho ý kiến của nhiều cơ quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham khảo ý kiến của một số đơn vị tư vấn uy tín trên thế giới đến từ Mỹ, Nhật Bản….
Ba khu vực được lựa chọn xây dựng đặc khu đều có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên. Ngoài ra còn có các tiềm năng phát triển một số ngành nghề cạnh tranh quốc tế.
Tại sao chỉ lựa chọn 3 đặc khu trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với nước ta là mô hình mới.Cần triển khai một cách vững chắc, phù hợp với điều kiện ngân sách của đất nước.
“Trước mắt là xây dựng 3 đặc khu, sau đó sẽ tổng kết nhân rộng nếu có đủ điều kiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết sẽ cụ thể và luật hóa các vấn đề một cách rõ ràng, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư và có sự ràng buộc về pháp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Sau khi ban hành Luật, Quốc hội cũng sẽ có Nghị quyết thành lập với 3 đặc khu.
Thu hút đầu tư vào các đặc khu cũng khác nhau để phù hợp từng nơi và tránh cạnh tranh trực tiếp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về quy hoạch phát triển, quy hoạch của đặc khu cũng tích hợp các quy hoạch liên quan. Luật cho phép nhà đầu tư lập và triển khai quy hoạch nếu được cho phép; cho phép thuê nhà đầu tư quốc tế xây dựng quy hoạch phù hợp sự phát triển, phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Về chính sách phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh Dự thảo Luật đảm bảo yêu cầu vượt trội và cạnh tranh với khu vực trong nước.
“Luật đảm bảo cạnh tranh các đặc khu kinh tế trên thế giới theo 9 tiêu chí khác nhau. Chủ yếu là bằng ưu đãi, chỉ có bằng và cao hơn các đặc khu ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Chúng ta chỉ kém ưu đãi hơn một số thiên đường thuế, vì ở đó không có thuế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Riêng thời hạn thuê đất, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn và đặt vấn đề về ảnh hưởng thời hạn thuê đất 99 năm. Ngoài ra còn ý kiến về vấn đề người nước ngoài mua bán và chuyển nhượng nhà ở.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích thời hạn thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang là 70 năm. Dự thảo Luật đặc khu hiện tại là 99 năm. Tuy nhiên, thời hạn thuê sẽ áp dụng cho một ngành nghề ưu đãi đầu tư vượt trội mà đặc khu muốn thu hút.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh việc xây dựng luật không nên cầu toàn, mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan phối hợp làm tốt 3 đề án thành lập đặc khu để Quốc hội xem xét, thông qua cùng với luật vào kỳ họp thứ 5.