Theo dữ liệu của Trading Economics, ngày 24/1, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - rơi xuống sát mức thấp nhất gần 8 tháng. Chỉ số này hiện ở quanh mức 101,8 điểm.
Đà suy yếu của USD giúp các tiền tệ khác hưởng lợi. Ngày 23/1, euro tăng lên 1,0919 USD đổi 1 euro, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 năm ngoái. Còn tỷ giá GBP/USD tăng lên 1,24 USD mỗi bảng Anh.
USD chịu sức ép khi giới đầu tư đánh giá các bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo định giá của các thị trường tiền tệ, khả năng ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới lên đến 95%.
Mới đây, Phó chủ tịch Fed Lael Brainard cho rằng tác động từ các động thái của ngân hàng trung ương Mỹ có thể vẫn chưa được phơi bày đầy đủ. Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất 7 lần từ 0-0,25% lên 4,25-4,5%. Những đợt tăng lãi suất liên tiếp đẩy USD lên mức cao nhất 20 năm.
Biến động của chỉ số USD trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed Chi nhánh Boston Susan Collins cũng nghiêng về việc giảm tốc độ tăng lãi suất. Bà Collins cho rằng nguy cơ tăng lãi suất quá mạnh tay và áp lực lên nền kinh tế đang tăng lên.
Giới đầu tư cũng nhận thấy nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang giảm tốc nhanh chóng.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi một loạt dữ liệu tiếp theo của Mỹ, trong đó có tăng trưởng GDP quý IV/2022, số lượng đơn đặt hàng đối với những hàng hóa có độ bền cao, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát yêu thích của Fed.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.