Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 21/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã vọt lên 87,7 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 17/11.
Còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ tăng 1,28% so với ngày trước đó lên 81,64 USD/thùng. Ngoài những lo ngại về nguồn cung, thị trường dầu còn được thúc đẩy bởi triển vọng đối với nhu cầu cải thiện.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ vọt lên mức kỷ lục sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Trading Economics. |
Nhu cầu sẽ tăng mạnh
Trong báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 18/1, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày.
"Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần 50% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, dù vẫn chưa rõ cách thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này", IEA nhận định.
Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt kể từ tháng 12 năm ngoái. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã mở đường cho sự phục hồi trong hoạt động di chuyển, thương mại và kinh tế.
Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần 50% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, dù vẫn chưa rõ cách thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này
Cơ quan Năng lượng Quốc tế
Hầu hết giới quan sát tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn phục hồi chậm chạp vào quý I, rồi khởi sắc trong phần còn lại của năm.
Theo IEA, nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sẽ tạo ra một thị trường dầu thắt chặt. Bởi đó là lúc các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây áp lên lĩnh vực năng lượng của Nga phát huy tác dụng.
Theo IEA, trong tháng 12, xuất khẩu dầu của Nga giảm trung bình 200.000 thùng/ngày so với tháng trước. Bởi trong tháng cuối năm 2022, kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.
Đây cũng là quan điểm của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) trong báo cáo được công bố hồi đầu tuần. Nhóm này dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng 2,22 triệu thùng/ngày, tương đương 2,2%, vì thị trường Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn.
Cùng với đó là sự phục hồi trong các hoạt động kinh tế của những nền kinh tế tiên tiến.
Căng thẳng nguồn cung
Theo ông Tavis McCourt - chiến lược gia tại Raymon James, các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ phục hồi và kéo nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa đi lên.
"Người tiêu dùng được ra khỏi căn hộ của họ và đi lại nhiều hơn. Nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay do đó sẽ gia tăng", ông lập luận. Vị chuyên gia tin rằng nhu cầu "có thể quay lại rất nhanh".
Về phía cung, vào tháng 11 năm ngoái, OPEC+ (OPEC và đồng minh) bắt đầu cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày do dự báo nhu cầu lao dốc. Chính sách này sẽ kéo dài sang năm 2023.
Những căng thẳng về nguồn cung do thiếu hụt đầu tư vào dầu khí khiến giá dễ dàng tăng cao khi cầu đẩy.
Giá dầu thô Brent quay đầu lao dốc sau khi chạm mốc cao nhất 14 năm 139 USD/thùng hồi tháng 3/2022, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Năm ngoái, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc từng giúp kìm hãm giá dầu thế giới, vốn đã tăng cao vì nguồn cung bị thu hẹp. Nhưng điều này có thể đảo ngược trong năm nay.
Trên thực tế, giá hàng hóa, trong đó có dầu, đã tăng đáng kể từ tháng 12 năm ngoái. Đó là thời điểm Trung Quốc công bố kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.