Hình ảnh tại lễ trao giải cuộc thi. Ảnh: T.L. |
Cuộc thi sáng tác truyện “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ năm đã tìm ra người chiến thắng. Cuộc thi khuyến khích, tạo động lực cho tác giả sáng tác truyện cho thiếu nhi Việt Nam.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - là người theo dõi cuộc thi suốt 5 năm. “Mới ngày nào số lượng bài thi gửi đến ban tổ chức còn rất khiêm tốn, đến năm nay có rất nhiều tín hiệu vui. Số lượng bài dự thi tăng lên qua từng năm, người viết cũng đến từ nhiều độ tuổi khác nhau, các truyện có chủ đề phong phú hơn”, bà Liên đánh giá về số lượng tác phẩm dự thi.
Ở mùa giải thứ năm, có 3.067 truyện ngắn của 2.729 thí sinh thuộc mọi lứa tuổi từ 45 tỉnh thành được gửi tới cuộc thi. Qua 4 vòng đánh giá, ban giám khảo đã chọn ra 18 tác phẩm đoạt giải cho ba hạng mục là: Tiểu học, Trung học cơ sở và Tự do.
Chùm tác phẩm Mây nhỏ tìm chỗ khóc và Vai diễn đầu tiên của Rùa của thí sinh Đào Trung Uyên (37 tuổi, Phú Yên) đã đoạt giải Xuất sắc nhất.
Phát biểu tại lễ trao giải diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội, bà Đào Trung Uyên chia sẻ niềm vui và cảm hứng sáng tác. “Tôi viết truyện thiếu nhi vì tình yêu đối với ba điều: Thứ nhất là yêu tiếng Việt, thứ hai là yêu sự sáng tạo và thứ ba, cũng là tình yêu lớn nhất, chính là yêu thương trẻ thơ - những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam và của thế giới”, bà Uyên nói.
Bà Uyên bày tỏ hy vọng cuộc thi ngày càng được biết đến sâu rộng hơn trên cả nước, "trở thành một mảnh vườn tốt lành ươm trồng những tài năng viết truyện cho thiếu nhi".
Ban giám khảo đánh giá tác phẩm đoạt giải năm nay thể hiện góc nhìn và tình cảm khác biệt của từng người cầm bút. Các em thí sinh hạng mục Tiểu học và THCS khám phá thế giới, khám phá bản thân và ý nghĩa tồn tại của vạn vật. Thí sinh hạng mục Tự do lại mang đến những lời kể, những lời thì thầm thân thiết và đầy yêu thương ẩn chứa những thông điệp, bài học nhẹ nhàng.
Cùng những giá trị về tình cảm, các truyện ngắn đoạt giải năm nay còn mang đến những chủ đề mới mẻ như sự tận tụy trong công việc, niềm tự hào dân tộc, bê tông hóa thành phố, hay biến đổi khí hậu…