Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ước mơ trở thành người bán đồ chơi của ông chủ Uniqlo

Thuở ấu thơ, tôi rất thích đồ chơi, tới mức đã mơ màng ước trở thành người bán đồ chơi.

Từ ước mơ cửa hàng đồ chơi đến cửa hàng VAN

(nay là Công ty TNHH Van Jacket, thương hiệu thời trang huyền thoại của Nhật Bản được thành lập vào năm 1947, đặt nền móng cho văn hóa thời trang Nhật Bản.)

Từ nhỏ, do tính nhút nhát, nên tôi có một tuổi thơ lặng lẽ. Vì luôn bị cha nhắc “làm gì thì cũng đứng thứ nhất”, nên tôi càng không nỗ lực nâng cao kết quả mà cũng không nghĩ tương lai sẽ thế nào. Thuở ấu thơ, tôi rất thích đồ chơi, tới mức đã mơ màng ước trở thành người bán đồ chơi, và không có ý muốn học trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Cửa hàng của cha tôi nằm tại phố mua sắm trước ga, nên sân chơi chính của tôi là con phố duy nhất này. Cửa hàng mở ở tầng 1, còn sinh sống trên tầng 2, ngay gần đó có cửa hàng đồ chơi và cửa hàng sách. Chủ cửa hàng sách thỉnh thoảng lại cho rất nhiều truyện tranh không dùng đến và các loại sách phụ kèm theo. Tôi đã từng rất thích đọc truyện tranh.

Uniqlo anh 1

Nguồn ảnh: BBC News.

Tôi thường ăn sáng và tối với một vài nhân viên sống tại cửa hàng. Nếu không ăn nhanh là bị mắng. Đó là cách sống đặc trưng ở phố buôn bán và ở cửa hàng bán lẻ trước đây. Anh Ura, kiểm soát viên của công ty tôi hiện nay, là một trong số nhân viên cùng sống thời đó. Có thể nói anh là nhân chứng sống về lịch sử công ty.

Sau khi cửa hàng trang phục nam hoạt động suôn sẻ, ngoài công ty xây dựng, cha tôi còn kinh doanh nhà hàng và rạp chiếu phim. Trong giới kinh doanh tại địa phương, dần dần ông trở thành nhân vật có uy tín. Đó là trong thời kỳ tăng trưởng cao nên công việc xây dựng cũng thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, chính cha tôi thích các sản phẩm quần áo của VAN, và bắt đầu mở cửa hàng VAN. Thời trung học, tôi đã mặc sơ mi có cúc ở ve cổ của VAN, đi giày thể thao VAN. Kỳ thực mặc như vậy cảm giác gần gũi như quần áo thường ngày.

Bố tôi tuy không nói ra miệng nhưng luôn mong muốn cửa hàng âu phục của ông, dù nhỏ, sẽ có người kế tục, và nghĩ rằng thế nào tôi cũng sẽ thực hiện việc đó. Có lẽ chính vì thế mà bản thân tôi cũng chẳng nghĩ sẽ thử làm công việc gì trong tương lai.

Nửa sau những năm 60, lần đầu tiên tôi rời quê đến Tokyo là khi vào đại học. Với tâm trạng phản kháng lại người cha, đặc biệt từ thời niên thiếu, tôi đã thi vào trường đại học nằm tại trung tâm Tokyo. Tôi đã tràn đầy hy vọng rằng nếu đến đó tôi sẽ được tiếp xúc với nhiều điều thú vị như văn hóa Hippi, Futen (“Futen”, một tên gọi phổ biến của những người Hippie kiểu Nhật ở Nhật Bản vào những năm 1960 và 1970), nhạc Pop...

Tokyo náo nhiệt với nguồn năng lượng của những người trẻ tuổi. Tuy là sinh viên đại học và xuất sắc trong các hoạt động, nhưng tôi hầu như không đến trường. Do xảy ra nhiều cuộc biểu tình, trường đại học đã buộc phải đóng cửa gần nửa năm. Dù sao, tôi cũng không quen với những phong trào sinh viên có xu hướng bạo lực, nên tôi thả mình lêu lổng với phim ảnh, sòng bạc/pachinko, đánh bài... suốt bốn năm học.

Tôi cũng từng đi du lịch bụi ở Hoa Kỳ, đến những quán nhạc Jazz ồn ào ở Waseda và Takadanobaba, và thường xuyên đánh mạt chược. Ngay cả khi là sinh viên năm thứ ba, rồi năm thứ tư tôi cũng không tính đến chuyện xin việc, mà nghĩ, nếu được, có lẽ chẳng cần phải đi làm.

Tháng 3 năm 1971 (năm 46 niên đại Chiêu Hòa), tuy đã tốt nghiệp, tôi không lo kiếm việc mà vẫn lông bông. Vẫn còn tâm trạng phản kháng với cha, nhưng vào tháng 5, do cha đốc thúc, tôi bắt đầu làm việc tại công ty JASCO (hiện là công ty AEON).

Khi tôi vào công ty thì con gái ông Okada Takuya, hiện là Chủ tịch danh dự, đang là Trưởng ban nhân sự. Tôi có ấn tượng rất mạnh rằng đây là công ty quan tâm đúng đắn đến con người, chu toàn lo cả chỗ ở. Sau đó tôi bắt đầu tập sự tại cửa hàng chính ở Yokkaichi.

Sau tập sự, đầu tiên tôi được phân công tại cửa hàng bán các đồ đa dạng như đồ thô, dao, thớt, rổ rá. Ở đây bán theo hình thức tự phục vụ, nên công việc chủ yếu là mua nhập hàng hóa, đi lại hai chiều giữa kho và nơi bán hàng.

Sau đó, không biết do xem xét việc kinh doanh của gia đình tôi ở quê thế nào mà tôi được phân công vào cửa hàng bán trang phục nam. Ở cửa hàng này, một nửa công việc là tiếp xúc với khách và nửa khác là nhập hàng. Nhờ đó, công việc của tôi trở nên thú vị, tôi nghĩ: “Công việc này cũng hay đây”. Tuy vậy, tôi vẫn chưa có ý thức rõ ràng “mình muốn làm việc này”, không có tâm trạng làm việc một cách nghiêm túc. Tháng 2 năm 1972, một năm sau đó, tôi nghỉ việc. Hoàn toàn chỉ do tính ích kỷ của bản thân.

Sau đó, tôi nói với cha: “Con nghĩ hay là đi du học ở Hoa Kỳ?”. Và sau đó là lần thứ hai tôi quay lại Tokyo. Tôi học tại trường dạy tiếng Anh, vẫn không chữa được tật xấu lêu lổng. Tôi cũng đã nghĩ đến việc kết hôn với người con gái tôi gặp gỡ trước đây (nay là vợ tôi). Sau khoảng nửa năm, bị cha tôi thuyết phục rằng “đã chấp nhận kết hôn thì nên quay về”, và tự tôi cũng nghĩ vậy nên tôi đã trở về Ube vào tháng 8 năm đó.

Tadashi Yanai/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY