Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ UNIQLO nói về đường thăng trầm của thương hiệu

Sự tăng trưởng nhanh chóng của UNIQLO, những nỗ lực thực hiện triết lý doanh nghiệp, là thành quả của việc toàn thể công ty cùng nhau quyết tâm cố gắng.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của UNIQLO

Người ta nói rằng UNIQLO có được thành công và tăng trưởng vượt bậc trong thời gian ngắn, thì rồi sẽ nhanh chóng thất bại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tình trạng hiện nay là bình thường. Thông qua việc xây dựng bộ máy, thể chế công ty, chúng tôi tạo dựng một cơ cấu linh hoạt phù hợp với quy mô bán hàng và doanh thu, ví dụ, gần đây nhất, kỳ tháng 8 năm 2003 là 301 tỷ 700 triệu yên thì lợi nhuận năm là 46 tỷ 900 triệu yên. Mức lợi nhuận này là một kết quả không tồi.

Thực thể được gọi là công ty, “một cơ cấu có tổ chức, quy mô tài sản biến động theo quy mô doanh thu”, cần có tính hiệu quả và tính linh hoạt như vậy. Khi nói công ty là một thực thể có kỳ hạn, nếu không thay đổi, thích ứng với những biến hóa của môi trường kinh doanh thì không thể nào tồn tại. Nhà lãnh đạo có trách nhiệm tạo dựng một môi trường doanh nghiệp thích hợp để không ngừng nâng cao lợi nhuận.

Uniqlo anh 1

Ảnh minh hoạ.

Sự thật là giai đoạn bùng nổ của UNIQLO đã đi qua, doanh thu bán hàng giảm liên tục. Trong mắt những người tiêu dùng nói chung, nếu một cửa hàng UNIQLO ở gần nhà họ phải đóng cửa thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến suy nghĩ rằng “phải chăng UNIQLO rốt cục cũng hết thời”. Tuy nhiên, các cửa hàng không mang lại doanh thu thì không thể tiếp tục tồn tại trong quá trình tự cải tổ. Trong hoạt động kinh doanh của công ty, thịnh suy thành bại luôn song hành.

Có người không đặt niềm tin vào những công ty tăng trưởng nhanh, hay đơn giản là ác cảm với những công ty đạt doanh thu ở mức bùng nổ chỉ vì không thích sự đột biến. Suy nghĩ cá nhân thì không sao, nhưng nếu đây là ý kiến của truyền thông đại chúng thì sẽ gây trở ngại cho công ty.

Vào lúc tăng trưởng nhanh, biết bao nhiêu sự kiện lễ hội được tổ chức, còn nếu chững lại thì sẽ xuất hiện ngay luận điểm cho rằng “tăng trưởng nhanh chẳng phải là tốt”, mà “tăng trưởng ổn định mới là điều quan trọng nhất”. Thậm chí có tạp chí kinh doanh của các công ty lớn còn cho rằng “cần giữ tăng trưởng dài hạn và có kiểm soát”.

Việc đó chẳng khác gì đưa ra một bài viết vô thưởng vô phạt để bình luận tuỳ thích. Hẳn phải tồn tại một sai lầm ở đâu đó. Liệu tạp chí kinh doanh này có nhận thức đúng khi đưa tin bài kiểu này?

Đã có thời, câu chuyện về tính cách của người Nhật rất tươi sáng, có thể nói trong con người Nhật Bản, tầng lớp trung lưu có ý thức rõ ràng và thuận theo chủ nghĩa tập thể. Khi truyền thông đại chúng đi theo một chiều hoặc cùng chung một ý kiến đánh giá thì sẽ rất khó thay đổi.

Mặc dù ý thức của người Nhật trong quá trình làm quen với xã hội cạnh tranh đã dần thay đổi, nhưng ý thức cạnh tranh của truyền thông đại chúng thì không khác gì việc dàn hàng ngang cùng tiến, không có tính độc đáo.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của UNIQLO, những nỗ lực thực hiện triết lý doanh nghiệp, là thành quả của việc toàn thể công ty cùng nhau quyết tâm cố gắng, còn bùng nổ doanh số không phải là điều có thể kiểm soát được vì đây là lần đầu nó xảy ra, và không diễn tiến theo ý chí cá nhân. Khi khách mua hàng, họ đánh giá sản phẩm bằng “giá cả và chất lượng”.

Khách hàng liên tục có những đánh giá tốt thì đương nhiên dẫn đến tăng vọt doanh thu và tăng trưởng nhanh chóng. Điều công ty có thể làm ở đây là nỗ lực khám phá nhu cầu, theo kịp thị hiếu khách hàng. Và với cách làm này thì không ai có thể kiểm soát được sự bùng nổ doanh số.

Tadashi Yanai/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY