Phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa là mấu chốt trong việc tái sinh vòng đời của nhựa, rộng hơn là thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây cũng là chiến lược trọng tâm của Unilever Việt Nam thời gian qua.
Mấu chốt trong quản lý rác thải nhựa
Việt Nam thuộc top 10 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho vấn nạn khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng nhựa không phải là giải pháp, bởi đây là vật liệu phổ biến, giữ vai trò quan trọng trong quy trình đóng gói và vận chuyển. Đồng thời, so với những vật liệu khác, nhựa ít gây ra phát thải khí nhà kính hơn.
Vấn đề mấu chốt là nhựa tồn tại nhiều trong môi trường - trên đất liền và ngoài đại dương. Giải pháp hữu hiệu là biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên tái sinh, đưa vật liệu này quay trở lại nền kinh tế tuần hoàn qua phân loại và thu gom.
Là công ty đa quốc gia hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng, Unilever hướng đến mục tiêu thu gom rác thải nhựa, bảo vệ hành tinh. Theo đại diện Unilever Việt Nam, trong hành trình phát triển bền vững, công ty đặc biệt chú trọng xây dựng một thế giới không rác thải qua nhiều cam kết về quản lý rác thải nhựa.
“Đến năm 2025, chúng tôi sẽ thu gom và xử lý lượng rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra thị trường”, đại diện Unilever Việt Nam khẳng định.
Hai mô hình, một sức mạnh
Việc phân loại và thu gom rác thải nhựa có thể phát huy sức mạnh khi được Chính phủ chỉ đạo và hỗ trợ, các doanh nghiệp cùng tổ chức phối hợp triển khai, người dân ý thức, chủ động thực hiện.
Hiểu được điều này, Unilever khởi đầu hành trình quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam qua mô hình phân loại và thu gom rác thải nhựa trong cộng đồng, nổi bật là Ngày hội đổi rác lấy quà, mở đầu tại Hà Nội. Mô hình này góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen phân loại rác tại nguồn cho hơn 41.400 hộ gia đình, 32 trường học với hơn 15.000 học sinh.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ước tính hơn 30% lượng rác thải tại Việt Nam được thu gom qua kênh phi chính thức. Vì vậy, lực lượng lao động thu gom phế liệu tự do đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa.
Kênh phi chính thức đóng góp lớn vào công tác phân loại, thu gom rác thải nhựa tại Việt Nam. |
Từ nhận định này, Unilever Việt Nam thực hiện chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” cùng đối tác VietCycle. Đôi bên triển khai mô hình phân loại và thu gom qua kênh phi chính thức - chính là lực lượng lao động ve chai tự do.
Không chỉ hướng đến mục tiêu phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chương trình góp phần nâng cao điều kiện làm việc, an toàn lao động, sức khỏe và cuộc sống cho lao động phi chính thức, đa phần là phụ nữ.
Bước đầu, sáng kiến của Unilever Việt Nam thành công xây dựng hệ thống thu gom trên địa bàn Hà Nội nhờ tuyển chọn và phát triển đại lý thu gom trên đường phố, các trạm thu gom lớn, mạng lưới lao động ve chai tự do với hơn 1.200 người lao động.
Đồng thời, chương trình triển khai hoạt động huấn luyện - truyền thông đến các hội thu gom, trạm thu gom, đại lý ve chai và lao động ve chai tự do. Nhờ đó, người lao động nắm bắt thông tin về đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, cũng như được hỗ trợ thiết bị bảo hộ. Điều này giúp họ cải thiện sức khỏe và nâng cao điều kiện sống.
Unilever Việt Nam tổ chức truyền thông - tập huấn cho đội ngũ lao động thu gom phế liệu phi chính thức. |
Đến nay, hai mô hình của Unilever Việt Nam đang thực hiện tốt việc phân loại tại nguồn và thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa. Đây là nền tảng để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra đến năm 2025.