Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam kêu gọi hỗ trợ lâu dài để trẻ em có thể rửa tay phòng dịch Covid-19.
“Để mong muốn đó trở thành sự thật thì chúng ta cần phải làm gì? Thứ nhất, mọi người Việt Nam ở mọi độ tuổi đều có thói quen rửa tay thường xuyên - hành vi rửa tay đã được chúng ta đưa vào bài hát và chia sẻ rộng rãi cũng như đang được tăng cường trong các nhà trường. Thứ hai, tất cả trẻ em ở tất cả các trường học đều có nước sạch và xà phòng để rửa tay”, thông cáo của UNICEF cho biết.
Ngày Vệ sinh Bàn tay năm nay diễn ra đúng vào thời điểm học sinh trên cả nước đang từng bước quay trở lại trường học sau nhiều tháng nghỉ phòng dịch.
Học sinh được đo thân nhiệt ngay tại cổng trường. Ảnh: Sở GD&ĐT Cà Mau. |
30% trường học thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 30% trường học ở Việt Nam gặp thách thức thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh cá nhân. Bộ Giáo dục đã nhấn mạnh cần ưu tiên đảm bảo nước sạch và xà phòng cho các em.
Như vậy có nghĩa cần đảm bảo cho khoảng 6,4 triệu học sinh có nước sạch và xà phòng hoặc đảm bảo nguồn cung tạm thời dung dịch rửa tay cho tất cả trẻ em, cho tới khi các biện pháp bền vững được thực hiện, theo UNICEF.
“Nước không sạch, điều kiện vệ sinh không đảm bảo và vệ sinh cá nhân không tốt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn và chất lượng cuộc sống của trẻ em mà còn ảnh hưởng đến việc học tập của các em”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, cho biết trong thông cáo.
Cung cấp nước sạch, đảm bảo điều kiện vệ sinh và vệ sinh cá nhân đầy đủ hơn không chỉ giúp giảm các bệnh liên quan đến vệ sinh như Covid-19 và giảm truyền nhiễm ký sinh; mà còn giúp giảm số ngày nghỉ của học sinh do bị tiêu chảy.
Đặc biệt, việc làm này còn giúp bảo vệ quyền được giáo dục của trẻ em gái vì trẻ em gái thường ngại đi học khi nhà vệ sinh và khu rửa không riêng tư, không an toàn, không sạch hay chỉ đơn giản là không có.
“Thay vì coi đây là giải pháp trong tình huống khẩn cấp – cần phải coi đây là mong muốn bình thường của tất cả trẻ em và trường học cần có ngân sách riêng để đảm bảo trường học không bao giờ bị thiếu xà phòng rửa tay, thứ có thể bảo vệ cuộc sống của chúng ta,” bà Flowers nói thêm.
Sinh viên nhiều nơi đã đi học trở lại ngày 4/5. Ảnh: V.L. |
Cần hỗ trợ dài hạn, quy mô lớn
UNICEF cho biết đang cùng các đối tác nỗ lực giải quyết khó khăn này và trong những tuần tới sẽ phân phối những thiết bị thiết yếu tới 500.000 người, trong đó có 300.000 học sinh tại các trường học.
UNICEF và các đối tác sẽ gửi xà phòng, dung dịch rửa tay và bình lọc nước bằng gốm để hỗ trợ các trường học, trạm y tế xã và cộng đồng người dân ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bến Tre và Sóc Trăng.
Những đồ dùng thiết yếu này sẽ được phân phối cùng với các thông điệp và thông tin hữu ích về vệ sinh cá nhân và thói quen vệ sinh. Các thông tin được xây dựng bằng cả tiếng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều hỗ trợ để tiếp cận được tất cả trẻ em đang cần trợ giúp, như cung cấp hệ thống nước sạch khẩn cấp tới 30% trường học không có nước sạch, nhà vệ sinh và khu vệ sinh, và cung cấp xà phòng và dung dịch rửa tay trên quy mô lớn cho tất cả học sinh.
Những kế hoạch dài hạn bao gồm tăng ngân sách cho phát triển nhân lực, vận hành và bảo dưỡng các công trình, và những chi phí định kỳ như mua xà phòng và những đồ phục vụ vệ sinh cá nhân.
“Ứng phó ngay lập tức là cần thiết trong những tuần tới nhưng để đảm bảo duy trì kết quả bền vững cần có các chương trình bền vững, quy mô lớn đảm bảo nước sạch, vệ sinh trong nhà trường”, thông cáo viết.
UNICEF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, và các đối tác khác, trong đó có các doanh nghiệp, cần khẩn trương đầu tư nhiều hơn cho nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học, với sự tham gia của các cộng đồng, xã hội dân sự, cha mẹ, và chính các học sinh và trẻ em.
UNICEF cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam đem các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường quy mô đến với trường học.
“Đây chính là thời điểm mà chúng ta có thể tạo nên thay đổi mong muốn ở tất cả các trường học. Chúng ta đang phục hồi, vươn lên và tư duy khác đi về một thế giới phù hợp hơn cho trẻ em hậu Covid-19 – tôi hy vọng rằng các bạn sẽ hành động cùng chúng tôi để đảm bảo những thay đổi bền vững tại các trường học,” bà Rana chia sẻ.