Chưa đến 1/10 (9,48%) nạn nhân từng bị buôn bán hoặc bóc lột lao động nhận được các hình thức hỗ trợ khi về nước, trong khi có tới 5,6% trẻ em ở Việt Nam “có nhiều khả năng có các trải nghiệm liên quan đến buôn bán trẻ em”.
Đó là kết quả nghiên cứu do Coram International, tổ chức chuyên về quyền trẻ em, thực hiện cùng UNICEF Việt Nam, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và UNICEF Vương Quốc Anh về nạn buôn bán trẻ em và bóc lột lao động.
“Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng về quy mô của nạn buôn bán trẻ em và trải nghiệm của trẻ em bị buôn bán và bóc lột. Nghiên cứu cũng cho thấy cả trẻ em gái và trẻ em trai đều bị ảnh hưởng, củng cố tính cần thiết cần phải có các biện pháp phòng ngừa và ứng phó nhạy cảm về giới”, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, cho biết trong một thông cáo.
Trẻ bụi đời là mục tiêu của những kẻ buôn người (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters. |
Báo cáo khẳng định trẻ em có nguy cơ bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc, ở trong nhiều ngành nghề khác nhau, và các em gái và em trai đều có nguy cơ như nhau.
Theo đó, phần lớn các nạn nhân buôn bán người lại là người chủ động quyết định di cư để tìm đến các cơ hội tốt hơn, sau đó bị bóc lột khi theo đuổi các cơ hội này. Trẻ em và thanh thiếu niên xuất thân từ hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo đó có nhiều nguy cơ bị buôn bán. Phần lớn nạn nhân bị bạo lực và bóc lột lao động.
“Phần đông nạn nhân của buôn bán chưa bao giờ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra, phát hiện của nghiên cứu chỉ ra các dịch vụ hỗ trợ chủ yếu tập trung vào một nhóm nạn nhân nhất định, điển hình là nạn nhân nữ bị buôn bán qua biên giới để bóc lột tình dục và kết hôn”, bà Kara Apland, nghiên cứu viên cao cấp của Coram International, cho biết.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết vấn nạn này, bao gồm tích hợp phòng ngừa và ứng phó, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện, giúp trẻ em tiếp cận giáo dục và kỹ năng và giới thiệu cơ hội việc làm an toàn và các chương trình tạo sinh kế cho thanh thiếu niên.