Theo thông cáo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trẻ em thiếu dinh dưỡng vẫn là thách thức lớn với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế và phát huy hết khả năng con người.
“Nguy cơ rất rõ ràng - tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ảnh hưởng tới 1/4 số trẻ tại Việt Nam, hạn chế quá trình phát triển và khả năng đóng góp cho nền kinh tế của các em”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nói trong thông cáo.
Theo UNICEF, Việt Nam có hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Trong thông cáo, Ngân hàng Thế giới và UNICEF tái khẳng định cam kết hợp tác với Việt Nam để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh chính phủ đang xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2021-2030.
Ngân hàng Thế giới và UNICEF tái khẳng định cam kết hợp tác với Việt Nam để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em. Ảnh: UNICEF. |
“Chế độ dinh dưỡng đảm bảo trong những năm đầu đời sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời hỗ trợ phát triển trí não và khả năng học tập của trẻ”, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết. “Qua đó, giảm các chi phí chăm sóc sức khỏe dài hạn và nâng cao kết quả học tập cho các em”.
Nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số còn cao hơn, vì các em ít được tiếp cận các nguồn hỗ trợ cần thiết. Gần 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, gấp đôi so với trẻ em người Kinh. Tỷ lệ trẻ thiếu dinh dưỡng nhẹ cân trong nhóm này cũng lên đến 21%, cao hơn 2,5 lần so với nhóm trẻ người Kinh.
Trẻ thiếu dinh dưỡng thể thấp còi sẽ dẫn đến giảm năng suất lao động và mất khoảng 10% thu nhập suốt đời với mỗi cá nhân. Tính trên phạm vi cả nước, vấn đề thiếu dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% GDP mỗi năm.
Chế độ dinh dưỡng đảm bảo trong những năm đầu đời sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời hỗ trợ phát triển trí não và khả năng học tập của trẻ. Ảnh: UNICEF. |