Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt xuất khẩu lao động bị lừa đảo, bóc lột ‘không phải là hiếm’

Người Việt ra nước ngoài lao động vẫn gặp nhiều nguy cơ, nhưng một thỏa thuận quốc tế mới có thể sẽ bảo vệ họ tốt hơn, theo các đại biểu tại hội nghị sáng 20/8 ở Hà Nội.

“Việc lừa đảo người lao động ra nước ngoài làm việc - lừa đảo là sẽ có mức lương cao, điều kiện tốt, mà sang đến nơi điều kiện khác hẳn so với cam kết - vẫn xảy ra, thậm chí không phải là hiếm”, ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nói với Zing.vn bên lề hội nghị.

Hội nghị sáng 20/8 nhằm phổ biến thông tin về Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Global Compact on Migration - GCM). GCM được thông qua tháng 12/2018, trong đó Việt Nam là thành viên, và là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên nhằm quản trị di cư tốt hơn và giảm nguy cơ mà các di dân gặp phải.

Thỏa thuận GCM sẽ góp phần giúp người lao động “biết được điều kiện mình sẽ lao động, và nếu chấp nhận được thì người ta mới đi”, ông Vũ Việt Anh nói. “Nếu chủ lao động không thấy ai đi cả, người ta sẽ phải nâng điều kiện lao động lên”.

xuat khau lao dong anh 1
Ông Vũ Việt Anh phát biểu tại hội nghị phổ biến thông tin về Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Global Compact on Migration - GCM) sáng 20/8 tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Thuấn.

Việc quản lý lao động di cư là vấn đề lớn đối với Việt Nam. Có hơn 1 triệu lao động Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn 2007-2017, và trung bình mỗi năm có 93.000 người xuất ngoại làm việc, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số liệu này không nắm bắt được các trường hợp di cư lao động không theo các kênh chính thức.

Tuy nhiên, nạn bóc lột lao động người Việt vẫn diễn ra ở nhiều nước. Chẳng hạn, 76% lao động di cư Việt Nam bị lạm dụng quyền lao động tại Malaysia và Thái Lan, theo nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tiến hành năm 2017. Họ phải vay nợ, những khoản nợ phải mất một năm mới trả hết, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của buôn bán người và lao động cưỡng bức.

Một báo cáo của Quốc hội cho biết 70-80% lao động xuất khẩu tìm cơ hội qua môi giới, không qua các trung tâm việc làm của nhà nước. Họ phải trả phí và khoản tiền đặt cọc lớn để đảm bảo họ làm hết thời hạn.

Theo ông Việt Anh, đa số các công ty môi giới lao động là tư nhân, chỉ có ít đơn vị của nhà nước, và hiện nay “việc kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân ấy cũng rất khó”.

“Tuy nhiên với thỏa thuận này, các chính phủ sẽ phải công bố danh sách những doanh nghiệp môi giới tử tế, còn các doanh nghiệp nào bị đưa vào danh sách đen thì sau này sẽ bị cấm và không được môi giới lao động”, ông giải thích.

xuat khau lao dong anh 2
Tháng 9/2018, hàng chục người dân TP.HCM và các tỉnh miền Tây kéo đến trụ sở Công an phường 12 (quận Gò Vấp, TP.HCM) để trình báo bị công ty môi giới xuất khẩu lao động ở TP.HCM lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Lê Trai.

Các tỉnh kỳ vọng vào thỏa thuận

Bà Triệu Thị Kiều Dung, từ Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng, cho biết tỉnh biên giới này đã có cơ chế, chính sách trong việc ký kết các thỏa thuận lao động, hiện nay “chủ yếu là với Trung Quốc”, nhưng thỏa thuận GCM sẽ là “căn cứ pháp lý” để tỉnh có thể mở rộng ký kết hợp tác lao động với các “thị trường mạnh” như Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Nhiều khi (người xuất khẩu lao động) đi theo các kênh tư vấn, rủi ro rất cao, nếu đi theo kênh của trung tâm xúc tiến việc làm của tỉnh, sẽ an tâm hơn, từ khâu tư vấn, ký kết hợp đồng, khâu bảo hộ”, bà nhận xét.

xuat khau lao dong anh 3
Phòng trọ của công nhân Việt tại Iwate, Nhật Bản. Ảnh: FBNV.

Ông Trần Văn Huấn, từ Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang, một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ người ra nước ngoài lao động, hy vọng thỏa thuận GCM sẽ thúc đẩy các nước bảo hộ công dân Việt Nam tốt hơn.

“Với các trường hợp xuất cảnh trái phép, hầu hết người ta làm việc trong môi trường không được bảo vệ, thậm chí không được trả lương, hoặc lao động khổ sai, ví dụ như ở Trung Quốc”, ông nói với Zing.vn. “Thỏa thuận này sẽ giúp người dân các nước có nhận thức tốt hơn về lao động nước ngoài làm việc tại đất nước họ”.

Theo Liên Hợp Quốc, trên thế giới hiện có khoảng 258 triệu người di cư, tăng nhanh chóng (gần 50%) so với con số 173 triệu của năm 2000.

Như vậy, cứ 30 người trên Trái Đất thì có một người di cư. Số người di cư chiếm 3,4% dân số thế giới và đang gia tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng dân số thế giới, do nhu cầu tìm đến nơi có kinh tế phát triển hơn, do nạn bạo lực, xung đột và biến đổi khí hậu.

ILO: 76% lao động Việt ở Thái Lan, Malaysia bị lạm dụng quyền lao động

Trong số các việc làm xuất khẩu, nghề giúp việc gia đình và đánh bắt cá được xem là dễ tổn thương nhất do nơi làm việc bị cô lập và thường xuyên thiếu các biện pháp bảo vệ.

Nhiều thủ đoạn mới lừa bán phụ nữ Việt sang TQ của tội phạm buôn người

Tội phạm buôn người dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhất để lừa gạt phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cả tin, bán nạn nhân sang Trung Quốc.




Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm