Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều thủ đoạn mới lừa bán phụ nữ Việt sang TQ của tội phạm buôn người

Tội phạm buôn người dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhất để lừa gạt phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cả tin, bán nạn nhân sang Trung Quốc.

“Nhiều chị em bị dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao, nhưng sau đó lại bị thu giữ giấy tờ tùy thân và bị gả bán cho công dân Trung Quốc”, báo cáo của cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tại hội thảo hôm đầu tuần ở Lạng Sơn về phòng chống nạn mua bán người sang Trung Quốc cho biết. 

Hội thảo có nhiều tham luận từ các cơ quan như Bộ Công an, công an các tỉnh biên giới, Bộ Ngoại giao và bộ đội biên phòng. Các tham luận cho biết những đối tượng người Việt "đang liên kết với người Trung Quốc tạo thành các đường dây mua bán người”.

buon nguoi sang Trung Quoc anh 1
Phụ nữ Việt Nam mua sắm tại phiên chợ ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: AFP.

Lợi dụng tục bắt vợ, lừa bán qua biên giới

Những kẻ buôn người hay đến các vùng nông thôn, tìm những mục tiêu để lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép bán ra nước ngoài.

Đó thường là phụ nữ có kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, việc làm không ổn định, hoặc “học sinh, sinh viên thích đua đòi, hám vật chất, thích ăn chơi, muốn làm việc nhẹ nhàng nhưng có thu nhập cao, lấy chồng có điều kiện để trở nên giàu sang”, theo báo cáo khác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Chúng “sử dụng công nghệ thông tin (điện thoại, Internet, mạng xã hội Facebook, WeChat, Viber…), làm quen, tạo lòng tin, lừa gạt bằng hình thức giả vờ yêu đương, đưa đi thăm gia đình, tạo công ăn việc làm”.

Thậm chí, chúng còn lợi dụng phong tục bắt vợ của đồng bào dân tộc thiểu số, “đến những khu vực trường học, chợ phiên làm quen với phụ nữ, bắt họ về làm vợ, nhưng thực chất để đưa họ qua biên giới bán”.

Theo báo cáo, các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm vợ, đưa vào các động mại dâm. Nguyên nhân là chênh lệch về giới tính cũng như các “dịch vụ nhạy cảm phát triển mạnh” ở Trung Quốc.

buon nguoi sang Trung Quoc anh 2
Một phụ nữ huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, có con gái bị mất tích ở vùng biên giới với Trung Quốc. Hầu hết người dân ở đây đều chịu ảnh hưởng từ hoạt động buôn bán cô dâu. Ảnh: AFP.

Một số đối tượng “lợi dụng những địa điểm qua loại biên giới dễ dàng, trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ, đưa nạn nhân đến biên giới, hướng dẫn nạn nhân xuất cảnh trái phép”, báo cáo viết.

Sau đó, những tên tội phạm khác đón nạn nhân ở phía Trung Quốc, thu toàn bộ giấy tờ, tiền, tư trang, hành lý và đưa sâu vào nội địa, “làm cho nạn nhân không xác định được địa điểm bị đưa đi, không có giấy tờ tùy thân, khó có thể trốn khỏi sự kiểm soát của chúng”.

Ngoài ra, vào dịp nông nhàn, một bộ phận cư dân biên giới sang Trung Quốc lao động thời vụ, kiếm thêm cho gia đình, và một số trở thành nạn nhân buôn bán người.

buon nguoi sang Trung Quoc anh 3
"Tú bà" lừa bán nhiều phụ nữ vào động mại dâm ở Trung Quốc bị bắt giữ và được trao trả qua cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, vào tháng 5. Ảnh: Tiền Phong.

Lừa phụ nữ đi "dưỡng thai" để bán trẻ con sơ sinh

Báo cáo của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho biết một thủ đoạn mới là “dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc dưỡng thai và sinh con”, sau đó bán trẻ sơ sinh cho người Trung Quốc có nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm có 4 trường hợp phụ nữ Việt Nam mang thai 6-8 tháng bị phát hiện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Trong năm 2018, các cơ quan đại diện của Việt Nam đã tiến hành bảo hộ 10.378 công dân Việt ở nước ngoài, riêng tại Trung Quốc là 6.266 trường hợp, trong đó có 93 nạn nhân bị mua bán, theo một báo cáo của Cục Lãnh sự.

Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 6.000 người Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ lãnh sự, trong đó 39 trường hợp bị mua bán. Các cơ quan đã đưa về nước 12 người từ địa bàn Trung Quốc và 8 nạn nhân từ khu tự trị giáp biên giới Myanmar - Trung Quốc.

Số người tìm đến được bảo hộ công dân như trên là một phần nhỏ so với con số 2.319 nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc từ 2016 đến 6/2019 theo thống kê của Bộ Công an (trung bình hơn 600 nạn nhân mỗi năm).

buon nguoi sang Trung Quoc anh 4
thông tin rao bán cô dâu Việt trên trang Taobao vào ngày độc thân. Ảnh: SCMP

“Đa số các nạn nhân bị dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc để lao động hoặc kết hôn đều không biết chính xác về tên thật, địa chỉ, quan hệ của các đối tượng mua bán người”, báo cáo viết.

Khi Bộ Ngoại giao liên hệ với gia đình để xác minh, “một số gia đình đã nhận tiền của các đối tượng môi giới hôn nhân nên lo sợ và che giấu thông tin”.

Báo cáo cũng cho biết một số nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn cho việc hỗ trợ. Riêng ở Trung Quốc, Cục Lãnh sự đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan đại diện xác minh nhân thân cho các trường hợp phụ nữ Việt bị bán lấy chồng Trung Quốc, nhưng không có đăng ký kết hôn trong 20 năm qua, để họ được cấp hộ chiếu.

Một khó khăn khác là Việt Nam và các nước chưa thống nhất tiêu chí xác định nạn nhân bị buôn bán.

Cục Lãnh sự cho biết “sẽ tiếp tục nghiên cứu... tăng cường phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin... đáp ứng yêu cầu của dư luận đối với công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nạn nhân bị mua bán”.

Buôn người qua Trung Quốc để đưa tới châu Âu

Một số đường dây đưa người qua Trung Quốc nhằm sang được châu Âu. Chúng dàn xếp để người Việt vào Trung Quốc với mục đích du lịch, rồi dùng hộ chiếu giả Trung Quốc để xin thị thực Schengen vào châu Âu.

Chúng cũng tổ chức đưa người Việt sang Nga qua đường hàng không, rồi trốn trong xe thùng lên đường đi nước Đông Âu, Bỉ hoặc Pháp.

Bế tắc kết hôn, đàn ông TQ chi nghìn đô kiếm vợ ở hạ lưu sông Mekong

Trước áp lực lập gia đình và sinh con nối dõi, nhiều đàn ông Trung Quốc bỏ tiền để kết hôn với phụ nữ nước ngoài nhưng lại ngậm đắng với cuộc hôn nhân không như mong đợi.

Giải cứu cô gái sau 6 năm bị chuốc thuốc mê bán sang Trung Quốc

Đặng Thị Vân (ở Yên Bái) bị ép làm vợ một người đàn ông nghèo ở vùng dân tộc, nông thôn hẻo lánh ở Trung Quốc. Cô nhiều lần tìm cách bỏ trốn nhưng không thành công.



Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm